Ngày 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn lãnh đạo các bộ, ngành Trung ướng khảo sát thực tế, kiểm tra tiến độ thực hiện tại một số công trình trọng điểm trên địa bàn, trong đó có tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Trong ngày làm việc thứ 2, đoàn công tác sẽ làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM trong quý I và đề ra phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, TP.HCM chuẩn bị nhiều nội dung đề xuất đoàn công tác Trung ương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho địa phương.
Thanh toán cho nhà đầu tư vành đai 2
Vành đai 2 được quy hoạch cách đây 15 năm, tổng chiều dài hơn 64 km, đến nay còn 14 km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn. Trong đó, chỉ đoạn 3 dài 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) triển khai từ năm 2017, nhưng đang dang dở. Công trình đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng, tạm ngừng thi công từ tháng 3/2020 đến nay khi đạt 43,8% khối lượng. Một trong những nguyên nhân dự án đình trệ do chưa thống nhất quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.
Sau hơn 2 năm dừng thi công dự án này đã phát sinh thêm khoản lãi hơn 230 tỷ đồng. Trước đó, đơn vị này đã ứng gần 1.400 tỷ đồng chi trả giải phóng mặt bằng và triển khai thi công.
Do đó, thành phố dự kiến sử dụng 4 khu đất thanh toán cho chủ đầu tư gồm: Khu đất tại số 234 Lý Tự Trọng diện tích 642 m2 (quận 1); khu đất số 582 đường Kinh Dương Vương diện tích 12.240 m2 (quận Bình Tân); khu đất số 132 đường Đào Duy Từ diện tích hơn 10.618 m2 (quận 10) và số 12 Kỳ Đồng diện tích đất 940 m2 (quận 3).
Sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng, UBND TP.HCM sẽ sử dụng quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT theo đúng quy định hiện hành. Trong trường hợp giá trị quỹ đất xác định theo giá thị trường tại thời điểm ban hành quyết định giao đất không đủ để thanh toán cho hợp đồng BT dự án, UBND TP.HCM sẽ rà soát, bổ sung quỹ đất theo quy định.
Thêm nguồn vật liệu xây vành đai 3
Chỉ còn 2 tháng, dự án vành đai 3 TP.HCM chính thức được khởi công. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vật liệu cát đắp nền đường của của công trình TP.HCM vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và có thể gây gián đoạn thi công khi mới đạt 5,8 triệu m3 so với nhu cầu 7,2 triệu m3. Bên cạnh đó, cát xây dựng cũng mới đáp ứng 1,1 so với nhu cầu 1,5 triệu m3.
Do đó, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường, các địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp hỗ trợ TP.HCM, chia sẻ, cung cấp nguồn vật liệu phục vụ dự án.
Liên quan vấn đề nguồn vật liệu, hôm 10/4, UBND TP.HCM gửi công văn khẩn đến chính quyền 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh đề nghị sớm có chủ trương cho phép khai thác cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng để phục vụ dự án vành đai 3 TP.HCM.
Qua quá trình làm việc, các sở, ngành chuyên môn cũng khẳng định nguồn cung cấp vật liệu cát gặp nhiều khó khăn do có nhiều dự án đường cao tốc đang triển khai cùng lúc. Do đó, chủ đầu tư dự án vành đai 3 TP.HCM cần tính đến phương án sử dụng nguồn cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng (thuộc 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước) để thực hiện dự án.
Đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km (đoạn qua TP.HCM dài 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km), chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Dự án được Quốc hội thông qua giữa tháng 6/2022, giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm làm đầu mối tổ chức thực hiện. Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Bên cạnh đó, UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành xem xét tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án bất động sản và nhiều nhóm nội dung khác như đầu tư nhà ở xã hội; dự án xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ; dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Riêng lĩnh vực đất đai có các vấn đề xoay quanh phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa; pháp lý về quyền sử dụng đất thực hiện dự án.