Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán TPS đánh giá nền kinh tế của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục phát triển ổn định và được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng quanh 8% năm 2022.
Mặc dù, bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đứng trước nhiều thách thức và rủi ro như nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu tiếp tục tăng lãi suất khi Fed vẫn kiên định chính sách thắt chặt tiền tệ, căng thẳng Nga – Ukraina vẫn chưa hạ nhiệt để đi đến hồi kết.
Đối với thị trường chứng khoán được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế và thường phản ánh trước diễn biến của nền kinh tế, TPS cho rằng biến động thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào sự kỳ vọng nền kinh tế vào năm 2023.
Đội ngũ phân tích TPS dự báo nền kinh tế của Việt Nam 2023 có thể sẽ giảm tốc so với năm 2022 do một số yếu tố như các chính sách tiền tệ thường có độ trễ. Nhiều nghiên cứu cho thấy là độ trễ thường dao động khoảng 8 tháng, vì vậy, sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng ở những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ rõ nét hơn ở năm sau.
Bên cạnh đó, căng thẳng diễn ra ngày càng phức tạp và có nhiều quốc gia liên quan và NHTW có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất cũng tác động đến thị trường. Mặt khác, nhiều nhà đầu tư trong nước rút vốn để đầu tư vào những kênh an toàn hơn như gửi tiết kiệm và nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào những quốc gia có mức lãi suất cao và an toàn hơn so với các thị trường mới nổi.
Theo đánh giá của TPS, hiện nay vấn đề tỷ giá đang được chú trọng hàng đầu vì đây đang là một trong những tham chiếu quan trọng cho các nhà điều hành điều tiết vĩ mô trong thời gian tới, đặc biệt là đối với trường hợp Việt Nam khi mà FDI và xuất khẩu đóng vai trò rất lớn tới tăng trưởng của nền kinh tế. Áp lực tăng tỷ giá trong thời gian tới là rất cao do Fed vẫn kiên định tăng lãi suất trong thời gian tới
Vì vậy, TPS cho rằng thị trường chứng khoán khó có thể tăng trưởng quá mạnh ở những tháng cuối năm.
Kết thúc 10 tháng đầu năm 2022, P/E trailing của VN-Index hiện ở quanh mức 10,77 lần, thấp hơn rất nhiều so với mức P/E trung bình 5 năm là 16.x. Cho cả năm 2022, nhóm phân tích đánh giá tăng trưởng EPS của toàn thị trường dự kiến trên 20% và mức P/E forward định giá hiện tại chỉ tương đương 9.x.
Bên cạnh đó, khi so với các quốc gia trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang hết sức hấp dẫn với P/E forward 2022 ở mức gần như thấp nhất nhưng lại có mức ROE thuộc nhóm cao nhất. Chính vì vậy, TPS cho rằng đây là thời điểm hợp lý để tích lũy những cổ phiếu có nội tại tốt, kết quả kinh doanh tích cực và thanh khoản cao.
Dự báo thị trường trong thời gian tới, TPS cho rằng lực bán trên thị trường vẫn đang cao cùng sự suy yếu của lực mua đang gia tăng rủi ro của VN-Index tại mốc tâm lý quan trọng 1.000 điểm. Dựa trên biến động của VN-Index, nhóm phân tích đưa ra 3 kịch bản cho thị trường trong tháng 11.
Trong kịch bản tích cực, nếu VN-Index có thể trở lại trên mức 1.070 điểm, niềm tin về triển vọng của thị trường sẽ được gia tăng và từ đó thu hút dòng tiền sôi động trở lại. Mục tiêu của chỉ số trong giai đoạn này là vùng 1.071-1.100 điểm
Trong kịch bản trung lập, VN-Index sẽ biến động sideway trong kênh giá 980-1.070 điểm với thanh khoản suy giảm dần.
Ở kịch bản kém tích cực, VN-Index nhiều khả năng sẽ giảm mạnh và thiết lập mức sâu với trong năm 2022 khi rơi khỏi vùng đáy tháng 10/2022. Đà giảm này được kỳ vọng sẽ chững lại tại mức tâm lý 900 điểm (tương đương vùng 900-997 điểm)