Căn hộ 125 m2 được thiết kế theo phong cách tối giản, có tông màu lạnh và hạn chế chi tiết.
Zing chia sẻ câu chuyện mua và thiết kế căn hộ rộng 125 m2 tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội của Nguyễn Vũ Minh Hằng (30 tuổi). Cô hiện là nhân viên văn phòng, đồng thời bán hàng online.
Trước khi mua căn hộ hiện tại, vợ chồng tôi sinh sống tại một chung cư khác cùng khu vực trong 5 năm. Tại đó, mật độ dân cư tăng lên đông đúc khiến chúng tôi gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Vì vậy, tôi muốn thay đổi môi trường sống và tìm một không gian khác rộng rãi, thoáng đãng hơn.
Mua căn hộ 8,8 tỷ đồng, trả tiền một lần
Căn hộ mới của gia đình tôi nằm ở vị trí trung tâm thành phố nên di chuyển đi làm, vui chơi rất thuận tiện. Khu vực xung quanh có đầy đủ các tiện ích như chợ, siêu thị, trường học, bệnh viện, phòng gym…
Quan trọng hơn, mật độ dân cư ở đây thấp nên rất thoải mái, yên tĩnh, không phải chịu cảnh chờ thang máy quá lâu. Ngoài ra, an ninh của chung cư rất tốt, bảo vệ và lễ tân thân thiện, nhiệt tình.
Vào thời điểm mua nhà năm 2021, căn hộ có giá 8,8 tỷ đồng. Tôi trả thẳng 100% và không cần vay nợ. Số tiền mua nhà được vợ chồng tôi tiết kiệm trong nhiều năm, một phần được bố mẹ hai bên hỗ trợ thêm.
Đây quả thực là một khoản chi không hề nhỏ, nhất là khi sau đó chúng tôi còn có kế hoạch cải tạo, thiết kế lại nhà. Để thực hiện được dự định mua nhà, vợ chồng tôi phải có sự tính toán, dành dụm suốt thời gian dài. Căn nhà chính là thành quả cho mọi cố gắng của hai đứa.
Thiết kế căn hộ theo phong cách tối giản
Ban đầu, căn hộ 125 m2 gồm 3 phòng ngủ, một phòng kho và 2 phòng vệ sinh. Dù là căn góc vuông vức, có nhiều ánh sáng nhưng mặt bằng do chủ đầu tư bố trí chưa được hợp lý. Bởi vậy, vợ chồng tôi quyết định cải tạo nhà, đập bỏ phần lớn các tường ngăn để mở rộng không gian và lấy tối đa ánh sáng.
Sau khi sửa, mặt bằng mới của căn hộ gồm 2 phòng ngủ, 2 phòng vệ sinh, một khu vực làm việc và một phòng kho. Phòng kho này có diện tích khá rộng rãi nên có thể dễ dàng sửa thành phòng ngủ nếu cần.
Thiết kế mới cũng giúp các không gian liên thông với nhau. Rất nhiều khách ghé chơi đều ngạc nhiên bởi độ rộng thoáng và lầm tưởng rằng diện tích của căn hộ phải lên đến 150 m2.
Đến khâu thiết kế nội thất, cả hai đứa đều thích sự đơn giản, tinh tế nên đã chọn phong cách tối giản (Minimalism). Thêm vào đó, chúng tôi không thuê người giúp việc nên để tiết kiệm thời gian dọn dẹp, tôi muốn không gian càng ít chi tiết càng tốt.
Trước đó, tôi cũng đã tham khảo nhiều video về phong cách tối giản của nước ngoài. Một vài người cho rằng kiểu nội thất này khá nhạt nhòa, tuy nhiên đây lại là điểm tôi yêu thích nhất. Cụ thể, đó là những tông màu đơn sắc, các đường nét rõ ràng, đơn giản nhưng tinh tế.
Để bám sát tiêu chí “Less is more” (càng ít càng nhiều), tôi chỉ sắp đặt những đồ dùng gia đình cần thiết như bàn ăn, sofa, giường, tủ..., đồng thời hạn chế đồ trang trí và các chi tiết rườm rà. Tổng thể căn nhà là màu đơn sắc, tông lạnh nên tôi tạo điểm nhấn bằng một chút gỗ.
Riêng về hệ thống ánh sáng, tôi thuê một đơn vị thiết kế riêng. Mỗi vị trí đều được kiến trúc sư tính toán cẩn thận về loại đèn và kiểu ánh sáng.
Ngoài các không gian chính như phòng khách, phòng ngủ, các khu vực phụ như dưới tủ bếp, góc tiểu cảnh cũng được thiết kế kiểu đèn phù hợp. Theo tôi ước tính, căn nhà có đến 10 loại đèn khác nhau và chủ yếu là đèn âm trần.
Bên cạnh đó, tôi thiết kế rất nhiều hệ tủ để có thể cất gọn đồ đạc. Mỗi hệ tủ đều đóng cao kịch trần, mở bằng cách nhấn - thả chứ không dùng tay nắm nên trông vừa tối giản, vừa hiện đại.
Ô kính trồng xương rồng cũng là chi tiết tôi rất tâm đắc. Ngay từ buổi đầu, tôi đã đề xuất ý tưởng này với kiến trúc sư vì rất thích vẻ ngoài gai góc của loại cây này. Ngoài ra, màu xanh của cây cối giúp ngôi nhà có sức sống hơn hẳn.
Tôi dành 1,5 tỷ đồng để hoàn thiện nội thất. Như vậy, căn hộ của gia đình có giá tổng cộng hơn 10 tỷ đồng.
Tôi tận dụng một số đồ đạc từ nhà cũ như tivi, tủ lạnh, bếp, sofa.... Còn vật liệu thi công và những đồ nội thất mua mới đều được đầu tư loại tốt để có thể sử dụng lâu dài.