Không giống mỳ cay hay trà chanh, mô hình kinh doanh trà sữa đã thoát khỏi mác “phong trào” khi sắp bước sang năm thứ 10 xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Đến tận hiện tại, người dùng vẫn có thể bắt gặp khung cảnh giới trẻ xếp hàng dài chờ mua trà sữa tại những cơ sở khai trương mới.
Trên thực tế, sau 2 năm lao đao vì Covid-19, quy mô ngành trà sữa trong nước đã bị thu hẹp cả về số lượng cửa hàng lẫn thương hiệu. Tuy nhiên, ít nhất trong tương lai gần, trà sữa khó rơi vào tình trạng bão hòa khi đã trở thành thức uống cơ bản và phổ biến của người Việt.
Dẫn đầu mức độ phổ biến
Theo báo cáo của Momentum Works và qlub, người tiêu dùng Đông Nam Á chi khoảng 3,66 tỷ USD mỗi năm cho trà sữa trân châu. Trong đó, Indonesia là quốc gia dẫn đầu về quy mô thị trường với doanh thu hàng năm lên tới 1,6 tỷ USD, chiếm 43% tổng doanh thu toàn khu vực.
Thái Lan xếp thứ 2 với doanh thu 749 triệu USD, sở hữu hơn 31.000 cửa hàng và kênh bán lẻ trà sữa. Đáng chú ý, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 với doanh thu ước tính 362 triệu USD, tương đương 8.470 tỷ đồng.
Dù dân số bằng 6% Việt Nam, doanh thu trà sữa tại Singapore chỉ kém 20 triệu USD và xếp ở vị trí thứ 4. Người tiêu dùng Singapore hiện có sức mua mạnh nhất do giá trà sữa trung bình cao gấp gần 2 lần quốc gia khác trong khu vực.
Tại Trung Quốc, thị trường trà sữa có doanh thu khoảng 20 tỷ USD vào năm 2021. Nhiều thương hiệu trà sữa nổi tiếng như Nayuki, HEYTEA, Mixue được định giá hàng tỷ USD.
Thị trường F&B tại Việt Nam tương đối đa dạng với sự có mặt của nhiều thương hiệu đồ uống khác nhau. Dẫu vậy, trà sữa vẫn có chỗ đứng vững vàng nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn.
Theo báo cáo của Reputa, kể từ thời điểm tiến hành phân tích ngành F&B từ tháng 3 đến nay, trà sữa vẫn là loại đồ uống được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội với 30-50% thị phần, vượt xa những đồ uống phổ thông khác như trà, nước ép hay thậm chí cà phê. Mặt khác, danh sách các loại đồ ăn nhận được sự quan tâm của người dùng liên tục thay đổi.
Bên cạnh đó, nhóm 10 công ty thuộc dịch vụ F&B phổ biến trên mạng xã hội cũng luôn có sự góp mặt của các thương hiệu trà sữa, tiêu biểu như: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phúc Long (Phúc Long), Công ty TNHH Vision&Triumph (Dingtea), Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Taco Việt Nam (TocoToco), Công ty TNHH Gong Cha Trust (Gong Cha), Công ty TNHH Koi Café (Koi Thé), Công ty TNHH The Alley Việt Nam (The Alley)…
Trước sức hút của trà sữa, không ít doanh nghiệp F&B hay cửa hàng café nhỏ, lẻ đã phải bổ sung thức uống này vào menu. Một số phong trào ăn theo điển hình như kem trà sữa trân châu, bánh trà sữa trân châu đường đen cũng nổi lên một thời.
Báo cáo của Verifiled Market Research cho biết quy mô thị trường trà sữa trân châu toàn cầu đạt 1,9 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến tăng hơn gấp đôi vào năm 2028, đạt 4,34 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) dự kiến đạt 7,8% từ năm 2021 đến năm 2028.
Thu hẹp quy mô sau dịch
Trà sữa du nhập vào thị trường Việt Nam vào đầu những năm 2000. Song, phải mãi đến giai đoạn 2013, thức uống này mới trở thành cơn sốt khi được giới trẻ ưa chuộng.
Nhận thấy dư địa phát triển tiềm năng, hàng loạt thương hiệu quốc tế lẫn Việt Nam cũng tìm cách chen chân vào thị trường. Cộng hưởng cùng phong trào nhượng quyền thương hiệu, vào năm 2016, có thời điểm cả nước xuất hiện hơn 1.500 cửa hàng trà sữa với khoảng 100 thương hiệu cạnh tranh.
Không chỉ đặt địa điểm tại những con phố lớn, các cửa hàng trà sữa còn lấn sang hệ thống kiosk của hầu hết trung tâm thương mại. Dù ở bất cứ khu vực nào, người dùng cũng có thể dễ dàng nhìn thấy sự hiện diện của những cửa hàng trà sữa.
Trên thực tế, nghiên cứu của Momentum Works và qlub cho thấy mô hình kinh doanh trà sữa trân châu ở Đông Nam Á có tỷ suất lợi nhuận gộp dao động 60-70%. Do đó, các thương hiệu luôn cố gắng mở rộng quy mô trong nước thông qua những lời mời cộng tác nhượng quyền hấp dẫn, có khả năng hoàn vốn và sinh lời cao.
Để mở một cửa hàng trà sữa theo hình thức nhượng quyền, chủ đầu tư phải chi trả phí nhượng quyền, phí giám sát, vật tư, máy móc. Đó là chưa kể tiền thuê mặt bằng, nhân viên, thiết kế, marketing…
Mỗi thương hiệu đều có chính sách nhượng quyền khác nhau, chi phí thường tính theo năm hoặc trọn đời. Theo tìm hiểu của Zing, Gong Cha là một trong những thương hiệu phí cao nhất, khoảng 1 tỷ đồng, tổng mức đầu tư ước tính 3- 5 tỷ đồng.
Một số thương hiệu phổ biến khác như Ding Tea có phí nhượng quyền trên dưới 400 triệu đồng, TocoToco là 160-300 triệu đồng/3 năm tùy khu vực. Một số thương hiệu khác miễn phí nhượng quyền, nhưng đẩy cao các chi phí chuyển giao công nghệ, quản lý cho chủ đầu tư.
Về tổng quan, tổng chi phí để mở một cửa hàng trà sữa tối thiểu khoảng trên dưới 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đại dịch, số lượng cửa hàng nhượng quyền phá sản, trả mặt bằng tăng mạnh. Một số thương hiệu từng gây sốt như Heekcaa, Chago, Chatime cũng rơi vào quên lãng.
Trải qua quá trình thanh lọc, thị trường trà sữa Việt Nam nay do một số thương hiệu phổ thông như Dingtea, TocoToco, Tiger Sugar và cao cấp gồm Phúc Long, Gong Cha, Koi Thé chi phối. Ngoài ra, thị trường còn xuất hiện thương hiệu ở phân khúc bình dân mới nổi như trà sữa đồng giá Đô Đô.