Hôm thứ Ba tuần này, Tổng thống Joe Biden đã có cuộc gặp ở Nhà Trắng với Chủ tịch Hạ viện, nghị sỹ Cộng hòa Kevin McCarthy cùng các nhà lãnh đạo khác của Quốc hội Mỹ nhằm thảo luận vấn đề nâng trần nợ. Tuy nhiên, cuộc họp đã không mang lại kết quả nào và các bên dự kiến sẽ gặp lại vào ngày thứ Sáu (12/5). Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo nếu trần nợ không được nâng kịp thời, Chính phủ Mỹ có thể sẽ vỡ nợ ngay vào ngày 1/6. Giới phân tích cảnh báo rằng nếu Washington vỡ nợ, hậu quả sẽ là tình trạng suy sụp của thị trường tài chính và một cuộc suy thoái kinh tế.
Lợi ích của nước Mỹ trong vấn đề trần nợ lớn đến nỗi nhiều người đặt câu hỏi: Liệu các quốc gia khác có gặp phải vấn đề tương tự hay không? Theo trang CNN Money, câu trả lời ở đây là không.
Hầu như không có quốc gia nào khác đặt ra giới hạn chính thức đối với việc chính phủ vay nợ để đáp ứng các nghĩa vụ hợp pháp, bởi lý do là giới hạn như vậy có thể trở thành công cụ cho các chiêu trò chính trị - theo Phó giám đốc Mrugank Bhusari của tổ chức nghiên cứu Atlantic Council.
So sánh Mỹ và Đan Mạch
Quốc gia phát triển duy nhất khác áp trần nợ công bằng một con số tuyệt đối như Mỹ là Đan Mạch. Nhưng ở đất nước vùng Scandinavi này, trần nợ được thiết lập ở mức cao một cách có chủ đích để ngăn chặn những “vở kịch” chính trị như đang diễn ra ở Washington.
“Việc trần nợ đặt ra nguy cơ thực sự đối với ổn định kinh tế tại một quốc gia là thực sự hiếm”, ông Bhusari khẳng định.
Quốc hội Mỹ lần đầu áp trần nợ chính phủ ở mức 45 tỷ USD vào năm 1939, cao hơn khoảng 10% so với tổng nợ của Chính phủ liên bang ở thời điểm đó.
Kể từ đó, nền kinh tế Mỹ đã phát triển mạnh mẽ, và vay nợ của Chính phủ Mỹ cũng vậy. Nợ liên bang Mỹ tăng lên mức 30,9 nghìn tỷ USD vào năm 2022 (từ mức 870 tỷ USD vào năm 1939 nếu tính theo giá trị hiện tại của đồng USD). Tỷ lệ nợ chính phủ liên bang so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 128% vào năm 2021 - theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Điều đó có nghĩa là Quốc hội Mỹ thường xuyên phải vào cuộc. Từ năm 1960, các nhà làm luật nước này đã phải hành động 78 lần, bình quân hơn 1 lần mỗi năm, để điều chỉnh trần nợ sao cho Chính phủ có thể tiếp tục chi trả các hóa đơn.
Đây là một vấn đề đặc biệt của nước Mỹ. Các quốc gia chọn áp trần nợ, nhằm mục tiêu kiểm soát chi tiêu công, thường đặt ra giới hạn là tỷ lệ % GDP thay vì một giá trị tuyệt đối như cách làm của Mỹ - theo ông Bhusari. Ngoài ra, trần nợ đó cũng thường không có tính chất ràng buộc.
Malaysia, Namibia và Pakistan đều là những quốc gia trong số này. Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các quốc gia thành viên giới hạn nợ công ở mức 60% GDP, nhưng nhiều nước trong khối vẫn liên tục phá vỡ giới hạn và giới hạn này đã bị đình chỉ trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Đến nay, giới hạn nợ công của các nước EU vẫn chưa được khôi phục, bởi khối này đang thúc đẩy chi tiêu cho phát triển năng lượng xanh và chuyển đổi số.
Quốc gia có trần nợ tương đồng nhất với Mỹ chính là Đan Mạch. Nhưng các nghị sỹ ở Copenhagen không rơi vào những cuộc đối đầu chính trị kinh niên như ở Mỹ.
Khi Đan Mạch bắt đầu áp dụng trần nợ vào năm 1993 - một quy định cần thiết theo Hiến pháp sau một cuộc cải tổ cơ cấu chính phủ - nước này xác định mức tối đa cho vay nợ chính phủ nên là 950 tỷ Krone, tương đương 140 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức nợ chính phủ thực tế ở thời điểm đó.
Chuyên gia kinh tế trưởng Las Olsen của ngân hàng Danske Bank nói rằng đây là một quyết định chiến lược. Các nghị sỹ Đan Mạch không muốn trần nợ trở thành cái cớ dẫn tới những cuộc thảo luận khó khăn về kế hoạch tài khóa của Chính phủ. “Logic ở đây là Quốc hội đặt ra mức thuế và quyết dịnh mức chi tiêu, và một khi Quốc hội đã làm việc đó, thì không còn cách nào khác cho phép Chính phủ vay khác đi”, ông Olsen nói.
Các nhà lãnh đạo chính trị của Đan Mạch cũng nhận thức được rằng là một quốc gia nhỏ, Đan Mạch không được phép làm cho các nhà đầu tư hoảng sợ bằng cách để xảy ra những cuộc đối đầu chính trị thường xuyên.
Trần nợ ở Đan Mạch đến nay mới được nâng đúng một lần. Đó là vào khoảng năm 2010 để ứng phó với hậu quả kinh tế của cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Nhưng lần nâng trần nợ đó hóa ra lại không cần thiết, vì mức vay nợ của Chính phủ Đan Mạnh duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với trần.
“Trần nợ không hề là một vấn đề chính trị ở Đan Mạch, mà hoàn toàn mang tính chất danh nghĩa”, ông Olsen nói.
Có những hạn chế trong việc so sánh giữa Mỹ và Đan Mạch. Chính phủ Đan Mạch vay nợ ít hơn nhiều nếu so với quy mô nền kinh tế, với tỷ lệ nợ công/GDP là 37% vào năm 2021, và nước này cũng thường xuyên có thặng dư ngân sách. Điều này khiến cho Đan Mạch ít có khả năng gặp rắc rối với trần nợ, cho dù nước này có thiết lập mức trần là bao nhiêu đi chăng nữa.
“Trên nhiều phương diện, Đan Mạch là một quốc gia cẩn trọng về mặt tài khóa hơn nhiều so với Mỹ. Nước này có mức nợ thấp hơn rất nhiều so với Mỹ”, chuyên gia Jacob Funk Kirkegaard của Viện Nghiên cứu kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington DC nhận định.
Ngoài ra, còn có những khác biệt chính trị lớn giữa hai nước. Mỹ có sự phân chia quyền lực rõ ràng, thường dẫn tới thế bế tắc giữa nhánh lập pháp và nhánh lập pháp. Trong khi đó Quốc hội Đan Mạch bầu ra người đứng đầu Chính phủ, thường trên cơ sở một liên minh giữa các chính đảng. Nhờ vậy, nước này ít có khả năng rơi vào tình trạng mà trần nợ có thể bị biến thành một quả bóng chính trị. Chưa kể, quy trình thiết lập ngân sách hàng năm của hai nước cũng khác nhau.
Ngay cả như vậy, rõ ràng là ở Đan Mạch, trần nợ đã giúp tạo ra sự vận hành trơn tru của Chính phủ - theo ông Kirkegaard. Trái lại, ở Mỹ, trần nợ có hiệu ứng ngược lại.
Khủng hoảng trần nợ là “do Mỹ tự gây ra”
“Mỹ đã phải mất nhiều thời gian với vấn đề trở đi trở lại này. Tất cả những gì Mỹ đang làm là cố gắng tránh một kịch bản thảm họa mà Mỹ tự gây ra cho chính mình”, vị chuyên gia nhận xét.
Chuyên gia Bhusari của Atlantic Council cũng miêu tả cuộc khủng hoảng trần nợ của Mỹ là “hoàn toàn tự do Mỹ gây ra”.
Khi đề cập đến việc giải quyết những vấn đề như tính bền vững của nợ, ông Bhusari cho rằng nhà đầu tư “thường nghĩ đến trần nợ như một vấn đề hơn là một giải pháp”, ngay cả khi trần nợ giúp mang tới sự thận trọng về tài khóa. Khả năng cao là trần nợ sẽ không ngừng được nâng lên. Vị chuyên gia lấy Australia làm ví dụ: nước này đã đưa ra một trần nợ vàon năm 2008 để củng cố uy tín tài khóa, nhưng rồi phải nâng trần nợ nhiều lần và rốt cục từ bỏ trần nợ vào năm 2013 khi giới hạn này trở thành một nguồn gây mâu thuẫn chính trị thường xuyên.
Mỹ có thể được coi là trường hợp cá biệt trong phương pháp quản lý nợ. Nhưng nếu Mỹ vỡ nợ, cả thế giới sẽ bị ảnh hưởng, vào đúng thời điểm mà lãi suất cao và lạm phát cao đang đặt ra nhiều thách thức lớn. “Không ai có thể biết chắc điều gì sẽ xảy đến, chỉ biết là sẽ có sự bất ổn rất lớn”, ông Bhusari nói.
Thị trường tài chính toàn cầu được xây dựng trên cơ sở cho rằng việc sở hữu nợ Mỹ, tức trái phiếu kho bạc nước này là an toàn. Nếu Mỹ mất khả năng thanh toán cho chủ nợ trong thời gian dài, các chuyên gia của Nhà Trắng dự báo rằng thị trường chứng khoán nước này có thể suy sụp và nước Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế sâu, với thiệt hại việc làm có thể lên tới hơn 8 triệu công việc.