Sau khi nhận bằng cử nhân ngành marketing vào năm ngoái, Cheng Jun không thể tìm được công việc như ý muốn. Vì thế, chàng trai 22 tuổi quyết định nhận lời mời làm việc khác, đó là từ chính bố mẹ của mình.
Hiện tại, Cheng đang ở nhà tại tỉnh Giang Tô, làm “giúp việc” cho chính gia đình mình. Anh dọn dẹp nhà cửa, đưa em gái đến trường và làm những công việc vặt. Bố mẹ Cheng trả mức lương cố định cho anh là 4.000 NDT (550 USD).
Mức thù lao này là lựa chọn tốt hơn nhiều so với nhiều công ty đang tuyển dụng, Cheng nói. Công việc này chỉ có 1 nhược điểm đó là phải nhận những lời dị nghị. Anh chia sẻ: “Hàng xóm của tôi và thậm chí là một số người thân, bạn bè coi việc ở nhà là vô dụng. Họ cứ bàn tán suốt.”
Khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng cao kỷ lục, ngày càng nhiều người chấp nhận công việc như Chen. Họ được gọi là “những đứa con toàn thời gian”. Tức là, họ được gia đình “thuê” và được trả mức lương cố định hàng tháng để làm việc nhà, từ dọn dẹp đến chăm sóc trẻ nhỏ, người già.
Nhìn chung, “những đứa con toàn thời gian” là người trẻ mới tốt nghiệp, không tìm được việc làm hoặc muốn dành thời gian chuẩn bị cho kỳ thi sau đó. Đôi khi, họ chỉ đơn giản là người trẻ muốn chăm sóc người thân lớn tuổi.
Xu hướng này lần đầu tiên được cư dân mạng chú ý vào cuối năm ngoái, sau khi nhiều người trẻ thảo luận trên nền tảng Douban. Trong những tháng gần đây, lựa chọn này lại trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội.
“Tôi xứng đáng có tương lai tốt đẹp hơn”
Liu Wenrong, nhà nghiên cứu từ Viện Xã hội học thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, giải thích, cụm từ này từng được nói về những người trẻ phụ thuộc vào bố mẹ để mua nhà hay cả nuôi dạy con cái.
Ông cho biết xu hướng hiện tại cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố như vậy, nhưng vấn đề là nhà ở đang quá đắt, người lao động thì khó xin việc nên họ phải nhờ đến gia đình nhiều hơn trước. Cụm từ này giờ đây được giới trẻ chấp nhận nhiều hơn, vì có thể họ đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp ở quá trình phát triển bản thân.
Đó cũng là cách Cheng nhìn nhận mọi thứ. Anh có thể nhận một công việc vào năm ngoái nếu thực sự muốn, nhưng thị trường lao động đang không thuận lợi nên không có lựa chọn nào hấp dẫn. Ở nhà hỗ trợ gia đình giúp anh có thời gian tìm cơ hội tốt hơn.
Cheng chia sẻ: “Sau khi gửi hàng trăm đơn xin việc, tôi chỉ nhận được một lời đề nghị. Đó là công việc văn phòng lương hơn 3.000 NDT/tháng. Đó là điều mà gia đình tôi không chấp nhận. Bố mẹ tôi luôn tự hào về kết quả học tập của tôi và tin rằng tôi xứng đáng có một tương lai tốt đẹp hơn.”
Ngoài dọn dẹp nhà cửa, đưa đón em gái, Cheng còn dạy kèm em gái các môn như toán và tiếng Trung. Anh cho hay: “Tôi tin rằng những gì mình làm được bố mẹ trả thù lao xứng đáng.”
Tuy nhiên, Cheng khẳng định công việc hiện tại chỉ là tạm thời. Vài tháng nữa, anh sẽ thi lại kỳ thi tuyển sinh sau đại học với hy vọng giành được một suất vào chương trình thạc sĩ.
Tuy nhiên, một số người trẻ khác lại coi việc hỗ trợ gia đình là một công việc lâu dài, đặc biệt là với những người có bố mẹ lớn tuổi mắc bệnh mãn tính.
Zhu, 27 tuổi ở Thượng Hải, đã nghỉ việc ở một công ty sản xuất phim và chuyển về nhà bố mẹ vào năm 2021. Kể từ đó, cô dành thời gian chăm sóc bố mẹ, cả 2 đều đã ngoài 60 và đều mắc bệnh tim.
Ngoài ra, một vài nguyên nhân khác cũng khiến Zhu nghỉ việc. Năm 2021, công ty của Zhu có nhóm lãnh đạo mới và cô thấy công việc không còn thuận lợi. Hơn nữa, bố mẹ Zhu đã có lần phải cấp cứu.
Zhu cho hay: “Tôi nhận ra rằng bố mẹ đang già đi. Tôi phải trân trọng thời gian khi họ vẫn còn đủ sức khoẻ để tự di chuyển. Tôi không muốn để đến lúc bố mẹ chỉ nằm trên giường rồi mới chăm sóc họ.”
Bố của Zhu vẫn kiếm được nhiều tiền từ công ty riêng. Do đó, gia đình cô vẫn đang thuê một người để làm việc nhà. Công việc của Zhu là cùng bố mẹ đi dạo, theo dõi sát sao sức khoẻ của họ. Mỗi tháng, Zhu nhận 15.000 NDT - thù lao cao hơn nhiều so với “những đứa con toàn thời gian” khác.
Chăm sóc gia đình là lựa chọn đúng đắn
Lu Juan, 27 tuổi sống ở tỉnh Hà Nam, cũng là “đứa con toàn thời gian” từ đầu năm 2023. Giống như Zhu, cô quyết định về nhà sau 1 lần bố cô nhập viện cấp cứu.
Trên thực tế, bố mẹ Lu lại không cần cô hỗ trợ nhiều như vậy. Bố cô chỉ mới ngoài 50 và sức khoẻ vẫn ổn định. Lu hàng ngày chỉ làm những công việc như nấu nướng, dọn dẹp và giặt giũ.
Đối với Lu, việc sống với bố mẹ có nghĩa là dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Khi còn nhỏ, cô chưa có cơ hội gần gũi với bố mẹ. Họ là những lao động nhập cư, dành phần lớn thời gian để làm việc ở thành phố, còn Lu sống ở nông thôn.
Hiện tại, bố mẹ Lu trả cho cô mức lương khoảng 40.000 NDT/năm. Tuy nhiên, cô gặp khó khăn trong việc thuyết phục bố mẹ về công việc này. Cô thấy điều quan trọng là cần chăm sóc bố mẹ, nhưng bố mẹ Lu lại cho rằng vai trò đó là do con trai đảm nhận, tức là em trai cô.
Đối với Zhang, 31 tuổi, việc trở thành “đứa con toàn thời gian” không chỉ dừng lại ở báo hiếu. Không như những người khác được phỏng vấn, cô đã kết hôn và có 2 con.
Gần đây, Zhang vẫn việc liên tục cho công việc kinh doanh cửa hàng thời trang ở Hàng Châu. Bố mẹ cô, khoảng 60 tuổi, phải chuyển đến căn hộ của cô để giúp chăm con. Giờ đây, Zhang đóng cửa hàng, dành thời gian chăm sóc con và bố mẹ.
Cuộc sống mới lại khiến áp lực tài chính tăng lên. Thu nhập của Zhang đã không còn và bố mẹ cô “trả lương” 8.000 NDT/tháng, tương đương 80% lương hưu của họ. Tuy nhiên, Zhang khẳng định, những gì cô nhận được về mặt tinh thần là hoàn toàn xứng đáng.
Dù trên các trang mạng xã hội, nhiều người chỉ trích lối sống này vì họ coi đó là “ăn bám” bố mẹ. Song, Zhang không thấy đó là điều tồi tệ. Nếu không chăm sóc gia đình, cô sẽ phải thuê người giúp việc.
Zhang là người con duy nhất trong gia đình và sau này sẽ được thừa hưởng toàn bộ tiền thừa kế của bố mẹ. Cô nói: “Sớm hay muộn tôi cũng nhận được tài sản thừa kế. Nếu bố mẹ trả một chút lương tháng cho tôi, chất lượng cuộc sống của cả gia đình đều được cải thiện.”