Theo Bloomberg, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 đã tăng 3,8% so với năm trước. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức tăng 4,3% mà các nhà kinh tế học dự báo.
Tốc độ tăng trưởng của doanh số bán lẻ cũng chậm hơn 2,7% so với dự kiến. Trong khi đó, chỉ số đầu tư tài sản cố định chỉ tăng 5,7% trong 7 tháng đầu năm, thấp hơn con số 6,2% mà các nhà kinh tế đã dự đoán. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5,5% xuống 5,4%.
Lưu lượng xe tải - một đại diện cho sản lượng kinh tế - trong tháng 7 thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán nhà trong tháng trước cũng giảm so với một năm trước đó.
Các biện pháp hạn chế đi lại từ chính sách Zero-Covid đang cản trở việc phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng đã thay đổi mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022. Vào ngày 28/7, tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc, giới chức trách không đưa ra con số tăng trưởng GDP cụ thể mà chỉ đưa ra kết luận nước này sẽ nỗ lực tối đa để nền kinh tế đạt "kết quả tốt nhất có thể".
Trong một động thái bất ngờ vào đầu ngày 15/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giảm lãi suất chính sách lần đầu tiên kể từ tháng 1/2022.
PBoC đã hạ lãi suất cho vay chính sách kỳ hạn 1 năm khoảng 10 điểm cơ bản xuống 2.75%.
Đồng thời, PBoC đã phát hành 400 tỷ nhân dân tệ trái phiếu trung hạn (MLF) và chỉ gia hạn một phần với khoản cho vay 600 tỷ nhân dân tệ sẽ đáo hạn trong tuần này.
Nếu không có các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ, kỳ tích tăng trưởng của năm 2020 sẽ khó có thể lặp lại. Trung Quốc hiện phải đối mặt với quá nhiều thử thách như Covid-19, sự đi xuống của ngành bất động sản, áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu bên ngoài suy giảm và môi trường việc làm khắc nghiệt.