Báo cáo về ngày không còn là cổ đông lớn của nhóm nhà ĐTNN CLQ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (mã ACB-HOSE).
Theo đó, ngày 28/3, quỹ ngoại Whistle Investment Limited đã bán nốt 48,9 triệu cổ phiếu ACB đang nắm giữ và hạ tỷ lệ sở hữu từ 1,26% xuống 0%.
Theo dữ liệu trên HOSE thì giá trị giao dịch thỏa thuận trong phiên là 1.462 tỷ đồng, tương đương mức giá bình quân 29.900 đồng/cp. Trước đó, phiên 22/3, quỹ này cũng đã bán ra 145 triệu cổ phiếu ACB với mức giá trung bình là 27.650 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị giao dịch là 4.009 tỷ đồng.
Tổng cộng, sau hai phiên giao dịch, quỹ Whistle Investment Limited đã thoái vốn hoàn toàn khỏi ACB. Số tiền thu về tổng cộng là hơn 5.471 tỷ đồng. Theo công bố, kể từ ngày 1/4, Whistle Investment Limited đã không còn là cổ đông lớn của ACB.
Hiện, ACB chưa công bố danh tính tổ chức hay cá nhân nào đã chi hơn 5.000 tỷ đồng để sở hữu số cổ phiếu trên.
Trước khi thực hiện hai giao dịch trên, quỹ này và Sather Gate Investments Limited sở hữu tổng cộng 387,8 triệu cổ phiếu, tương đương 9,98% vốn điều lệ của ACB. Hiện chỉ còn Sather Gate Investments Limited nắm giữ 193,9 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 4,99% vốn điều lệ của ngân hàng.
Whistle Investment Limited cùng Sather Gate Investments Limited đã trở thành cổ đông lớn của ACB vào năm 2018, thay thế cho Standard Chartered Bank. Cả hai quỹ ngoại này đều thuộc sở hữu của công ty mẹ là Alp Asia Finance Vietnam Limited.
Trước đó, ACB thông báo sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại Khách sạn Sheraton Sài Gòn vào ngày 4/4 tới.
Theo đó, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 12% ước đạt 805.050 tỷ đồng; Tiền gửi khách hàng (gồm giấy tờ có giá trị) tăng 11% ước đạt 593.779 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 14%, ước đạt 555.866 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, ACB dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% và bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% trong năm nay.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của ACB năm 2023 là hơn 15.500 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại năm 2023 là 13.300 tỷ đồng. Lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia là hơn 6.500 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức năm 2023 là gần 19.900 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến dùng 9.700 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2023 (15% cổ phiếu, 10% tiền mặt).
Vốn điều lệ hiện tại của ACB là 38.840 tỷ đồng. Dự kiến sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%. Vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm hơn 5.800 tỷ lên 44.666 tỷ đồng. ACB dự kiến thời gian hoàn thành việc tăng vốn điều lệ là quý 3/2024.
Theo báo cáo thường niên 2023, ACB vừa công bố, ACB cho biết năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao nhất của ACB trong vòng 10 năm trở lại đây với quy mô tín dụng đạt gần 488 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9% so với đầu năm, cao hơn mức 13,78% bình quân ngành.
Quy mô huy động năm 2023 của ACB đạt gần 483 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Trong đó, tỷ lệ CASA về đích với mức 22%.
Tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ ROE ở mức gần 25%; tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II cao hơn mức quy định tối thiểu, ở mức 12,5% và ACB còn thực hiện nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí, nhờ đó tỷ lệ CIR được cải thiện còn 33%, giảm so với mức 40% vào cuối năm 2022.
Chốt phiên giao dịch ngày 1/4, giá cổ phiếu ACB đạt 28.450 đồng/cổ phiếu và tăng 16% từ đầu năm đến nay.