“Thời điểm này là cơ hội củng cố và phát triển thị trường bất động sản bền vững. Đừng để tình trạng sau mỗi đợt khủng hoảng lại tái lại cái cũ và cứ ít năm đi vực thị trường bất động sản”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh tại Hội thảo do báo Thanh Niên tổ chức sáng 27/4/2023.
Theo vị TS này, không thể giải quyết bài toán thị trường bất động sản nếu không giải quyết bài toán thị trường tài chính. Đây là hai thị trường thông nhau. Trước đến nay, mọi cuộc khủng hoảng tài chính đều xuất phát từ thị trường bất động sản. Vì thế, phải sửa toàn bộ hệ thống pháp luật cho hai thị trường này cùng lúc, tránh tình trạng tháo cái này, vướng cái kia.
Hiện nay, tại Tp.HCM, thị trường bất động sản xếp thứ 4 trong các ngành nghề chủ lực. Bất động sản đóng góp 12% GDP, tác động lan toả đến 50 ngành nghề kinh tế. Tính ra, lĩnh vực này đóng góp tăng trưởng nền kinh tế lên đến 20-25%.
TS Trần Du Lịch cho rằng: Ngay từ đầu, tôi không đặt vấn đề giải cứu bất động sản mà đặt vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ quý 4/2022, Nhà nước chấn chỉnh bất động sản và tài chính bằng các biện pháp như room tín dụng, lãi suất…là cần thiết nhưng theo vị TS này cần đánh giá và nhìn nhận lại tác động của nó đến thị trường bất động sản.
Không thể phủ nhận, thời gian gần đây Chính phủ đang nỗ lực củng cố thị trường bất động sản. Cuối năm 2022, Chính phủ lập tổ công tác xử lý khó khăn thị trường bất động sản. Ngân hàng đang cố gắng gỡ tín dụng, kéo giảm lãi suất. Đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, phải làm sao không để bất động kéo theo sự bất ổn của thị trường tài chính.
TS Trần Du Lịch cũng thừa nhận những bất ổn của thị trường bất động sản. Vị này chỉ ra các “căn bệnh” của thị trường, kéo dài nhiều năm nay và chưa được tháo gỡ.
Thứ nhất, thị trường bất động sản rất méo mó về nguồn cung -cầu. Các sản phẩm đưa ra thị trường chủ yếu hướng đến đầu cơ chứ không phải cho nhu cầu ở thực. Nguồn cung giá vừa túi tiền có nhu cầu nhưng không có sản phẩm.
Thời gian qua, thị trường ghi nhận nhiều dự án làm dở dang rồi để đó. Đa số là dự án cao cấp, vượt khả năng thanh toán của người ở thực.
“Các sản phẩm ra thị trường phục vụ cho đầu cơ là chính, không cho người dùng trực tiếp. Chẳng hạn, tôi đi dọc miền Trung, rất nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng bỏ hoang, không ai sử dụng cả”, TS Trần Du lịch chia sẻ.
Thứ hai, thị trường ức chế nguồn cung bất động sản. Hiện nay, muốn tăng cung sản phẩm không dễ do những quy định về quỹ đất, pháp lý.
Thứ ba, các nhà kinh doanh bất động sản sử dụng công cụ tài chính thái quá. Vay vốn nhưng không kiểm soát được rủi ro dẫn đến những hậu quả. Cho nên, để phát triển bền vững doanh nghiệp phải tái cơ cấu.
TS Trần Du lịch cũng nhấn mạnh, không phải dự án bất động sản vướng pháp lý nào cũng gỡ được. Có những dự án hoàn toàn trái luật thì không thể gỡ. Có thể đến hết quý 1/2023 thị trường bất động sản ấm dần và phục hồi, điều này cũng tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế chung.