Giấc mơ của cô Eunice Wang đã trở thành hiện thực khi cô được nhận vào vị trí cố vấn chiến lược tại một công ty dược phẩm ở Bắc Kinh.
Cô Wang đã mất 6 năm để theo đuổi ước mơ. Cô tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật sinh học, sau đó được cấp bằng thạc sĩ về phân tích kinh doanh ở Mỹ.
Nhưng chỉ 3 tháng sau, cô đã bỏ việc. "Tôi tưởng có thể ở lại một năm, nhưng không, tôi đã thực sự vô vọng", cô gái 25 tuổi chia sẻ.
Bất mãn với công việc
Theo CNBC, cách đây 6 tháng, cô Wang đã về quê để làm nhân viên pha chế. Việc chuyển từ công việc văn phòng sang "qing ti li huo", có nghĩa là công việc nhẹ, đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc.
Hashtag "trải nghiệm việc làm chân tay đầu tiên của tôi" đã có tới 30,3 triệu lượt xem trên nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu ở Trung Quốc. Tại đó, một số người mô tả công việc mới của họ là "không cần dùng đầu óc".
Các công việc được chia sẻ bao gồm nhân viên phục vụ bàn và nhân viên dọn dẹp. "Những người trẻ đang thảo luận rất nhiều về việc họ đã thoát khỏi công việc văn phòng như thế nào", giáo sư xã hội học Jia Miao tại Đại học New York Thượng Hải bình luận.
Không thể phủ nhận là sau đại dịch, nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, nhưng nhiều thanh niên vẫn chật vật tìm việc làm
Giáo sư xã hội học Jia Miao tại Đại học New York Thượng Hải
"Điều đó khá bất thường. Mọi người thường trở thành nhân viên cổ cồn trắng nếu có bằng đại học", giáo sư xã hội học Wu Xiaogang tại Đại học New York Thượng Hải nói thêm.
Theo một bài viết của giáo sư Wu, ít nhất 25% sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đang thiếu việc làm. Đây là tình trạng người lao động làm một công việc không phản ánh đúng kỹ năng và chuyên ngành họ được đào tạo.
"Không thể phủ nhận là sau đại dịch, nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, nhưng nhiều thanh niên vẫn chật vật tìm việc làm", giáo sư Miao bình luận.
Theo các chuyên gia của CNBC, những người như cô Wang thuộc nhóm lao động tự nguyện rời bỏ các công việc đòi hỏi kỹ năng cao.
Trước đây, cô Wang tưởng rằng công việc của mình sẽ đòi hỏi khả năng sáng tạo. Cô mong được hợp tác với đồng nghiệp và lãnh đạo. Nhưng thực tế khác xa tưởng tượng.
"Tôi không có thời gian giao tiếp với bất cứ ai vì khối lượng công việc quá lớn", cô than thở.
Thay vào đó, cô dành cả ngày để soạn thảo slide, viết báo cáo và dịch chúng sang tiếng Anh. Cô Wang cho rằng ngày càng nhiều cử nhân đại học làm các công việc văn phòng nhưng không có tiếng nói, và được trao rất ít quyền quyết định trong công việc.
Việc nhẹ lương thấp
"Khi xã hội của chúng ta chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp hóa, từ các trang trại sang nhà máy, công việc không còn cần sự sáng tạo hay khả năng tự quyết. Mọi người cần bạn cho một vị trí nhất định, làm những công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày", cô chia sẻ.
"Điều tương tự đang xảy ra khi nền kinh tế của chúng ta trưởng thành và trở nên phức tạp hơn. Rất nhiều người trẻ thấy thất vọng vì công việc của họ", cô Wang nói thêm.
"Họ cảm thấy công ty không thuê mình để làm việc, mà là vận hành máy tính để bàn", cô chia sẻ.
Với tính cạnh tranh quá cao và văn hóa khắc nghiệt, nhiều người trẻ đang kiệt quệ về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Dù vậy, nhiều người trẻ vẫn đang theo đuổi lối mòn kỳ vọng. Họ mong muốn đỗ đại học rồi ra trường, kiếm một công việc văn phòng tốt.
Nhưng những năm qua, ngày càng nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa của công việc. Các trào lưu như "nghỉ việc thầm lặng", "làm việc cầm chừng" hay "thứ hai tối thiểu" đã lan rộng.
Riêng ở Trung Quốc, hiện tượng "tang ping", có nghĩa là "nằm bẹp", đã ra đời.
Nhìn lại, cô Wang nhận ra mình chưa từng muốn theo đuổi công việc văn phòng, hay thậm chí là chính ngành nghề cô đã theo học.
"Bố mẹ tôi bảo tôi chọn nó. Mọi người nói với tôi rằng chuyên ngành này sẽ mang tới một tương lai xán lạn", cô chia sẻ. "Nhưng tôi chưa từng nghĩ về việc công việc này có phù hợp với mình hay không", cô Wang nói thêm.
Theo giáo sư Wu, các công việc nhẹ nhàng như nhân viên phục vụ, nhân viên dọn dẹp sẽ tự do và linh hoạt hơn.
Với cô Wang, số tiền cô kiếm được từ công việc nhân viên pha chế chỉ bằng 1/4 so với công việc văn phòng trước đây là 12.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 1.700 USD).
Nhưng đổi lại, cô có thể khám phá bản thân sau khi rời bỏ công việc văn phòng của mình.