"Hãy làm điều bạn yêu thích" không còn là lời khuyên đơn thuần mà đã trở thành hệ tư tưởng của một bộ phận người trẻ. Từ khi còn học phổ thông, họ đã biết nghề nghiệp của mình nên được định hướng bởi đam mê.
Sách self-helf khuyên những người đang tìm kiếm công việc nên bắt đầu suy ngẫm về điều họ thực sự yêu thích. Hàng loạt bộ phim Hollywood cũng dạy người xem khao khát được làm việc mình yêu và thể hiện đúng bản chất cá nhân.
Các nhà nghiên cứu gọi cách suy nghĩ về công việc theo hướng này là "passion paradigm" (hình mẫu đam mê) và thấy nó đang phổ biến trong xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, theo CNA, "passion paradigm" có thể mang tác động ngược, khiến nhiều người muốn từ bỏ công việc nhàm chán. Nó được coi là một trong những nguyên nhân thúc đẩy làn sóng bỏ việc (Great Resignation) đang diễn ra toàn cầu.
Động lực bỏ việc
"Passion paradigm" nổi lên vào những năm 1960. Trong thời gian này, việc đặt câu hỏi về các chuẩn mực văn hóa và xã hội, đặc biệt ở giới trẻ, đã giúp phát triển một lối suy nghĩ mới về vai trò của công việc đối với đời sống con người.
Xu hướng này được dẫn đầu bởi nhà tâm lý học nhân văn Abraham Maslow - người đã áp dụng lý thuyết của mình về "tháp nhu cầu" vào môi trường làm việc hiện đại.
Trong Eupsychian Management, Maslow lập luận rằng công việc nên được coi là nguồn lực chính để con người phát triển cá nhân và thể hiện bản thân.
Maslow đã hình dung ra một thế giới nơi các cá nhân có được sự hài lòng sâu sắc từ công việc của họ và coi làm việc như một hoạt động thiêng liêng.
Theo một cách nào đó, hình mẫu đam mê đang thúc đẩy nhu cầu có một công việc tốt hơn, có ý nghĩa và làm bản thân thỏa mãn. Chính vì mong đợi nhiều hơn nên người lao động không còn muốn chấp nhận thực tại.
Tháng 8/2021, có 4,3 triệu người lao động ở Mỹ bỏ việc, đây là mức cao nhất từng được ghi nhận. Làn sóng tương tự cũng đã ập tới Anh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến làn sóng bỏ việc: áp lực tăng cao do đại dịch, nhu cầu ở nhà với con nhỏ và nhiều người chuyển sang làm việc từ xa.
Tuy nhiên, còn một lý do khác liên quan đến "hình mẫu đam mê", khi người lao động không đạt được những kỳ vọng xung quanh công việc của mình.
Đại dịch gây gián đoạn thói quen sống của mọi người đã vô tình khơi dậy niềm khao khát sâu sắc về công việc mà họ thực sự yêu thích, một mong muốn chìm sâu trong tiềm thức từ lâu.
Nhiều người lao động Canada cho biết họ đang xem xét và tự hỏi bản thân: "Đây có thực sự là công việc tôi đam mê?", "Tôi có muốn dành phần lớn thời gian cho nó?", "Công việc mình đang làm có mang lại ý nghĩa gì không?".
Số lượng đơn từ chức lớn nhất ở Canada đến từ những người làm ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú.
Lãng mạn hóa công việc
Từ những năm 1980, người lao động có ít quyền thương lượng. Bởi vậy, hình mẫu đam mê đã trở nên phổ biến và phát triển trong điều kiện kinh tế được xác định phần lớn bởi người sử dụng lao động chứ không phải người lao động.
Đến khi đại dịch bùng nổ, điều này đã bắt đầu thay đổi. Trước tình trạng thiếu lao động, người làm chủ buộc phải xem xét một cách nghiêm túc với người lao động về tiền lương, tính linh hoạt, quyền tự chủ và lịch trình.
Điểm mấu chốt là hình mẫu đam mê có thể thúc đẩy nhu cầu về công việc tốt hơn, có ý nghĩa hơn, nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được khi nó đi kèm với một mạng lưới an toàn xã hội mạnh mẽ.
Kể từ đầu năm 2021, tác giả Lauven đã thực hiện các cuộc phỏng vấn với hơn 90 chuyên gia và nhà quản lý ở Toronto (Canada) để hiểu cách họ nghĩ về công việc.
Mặc dù có những trường hợp ngoại lệ, nhìn chung dữ liệu cho thấy lý thuyết của Maslow ngày càng trở nên phổ biến.
Nhà xã hội học Lindsay DePalma cho rằng "hình mẫu đam mê" khuyến khích người lao động lãng mạn hóa công việc của mình.
Trong cuốn sách "Work Won’t Love You Back" (tạm dịch: Công việc không yêu bạn), nhà báo Sarah Jaffe cho rằng yêu công việc là một tư tưởng không tốt vì nó là công thức để bóc lột sức lao động của bạn.
Derek Thompson, một cây bút của The Atlantic, khẳng định "passion paradigm" đã thúc đẩy một lối sống mới của những người nghiện công việc, là nguyên nhân gây ra tình trạng kiệt sức và trầm cảm ngay cả ở những người có mức lương cao.
Thompson lo ngại chủ nghĩa này có thể khiến người lao động chấp nhận những điều kiện làm việc có hại, cách đối xử tiêu cực từ cấp trên cùng với kỳ vọng thiếu thực tế về bản thân.
Khi mọi người khao khát sẽ yêu những thứ mình làm, họ có thể ưu tiên cho công việc hơn những khía cạnh quan trọng khác trong cuộc sống như gia đình, bạn bè, sở thích.
Đánh giá quá cao công việc có thể khiến nhiều người coi những cá nhân không thể làm việc là lười biếng, ngu ngốc và không đáng quan tâm.