"Giám đốc điều hành", chức danh mà người đồng nghiệp cũ cập nhật trên mạng xã hội, khiến Thanh Hà (26 tuổi, quận 3, TP.HCM) bất ngờ.
Trước đây, cô từng thấy người này chia sẻ về những đợt thăng chức làm "Trưởng phòng marketing" hoặc "Phó giám đốc". Lộ trình phát triển thần tốc của anh nhận rất nhiều lời tán dương ở phần bình luận.
Thanh Hà biết rõ người cộng sự kém mình một tuổi chỉ làm vị trí nhân viên bình thường với mức lương trước thuế khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Lạm phát chức danh
Theo Thanh Hà, ban đầu, cô nghĩ người đồng nghiệp chỉ gán chức danh trên mạng xã hội nhằm "đánh bóng" tên tuổi, xây dựng thương hiệu cá nhân.
Tuy nhiên, cô không nghĩ người này lại dùng luôn danh xưng đó để đi xin việc tại công ty mới. Cô biết đến chuyện này khi bộ phận HR từ doanh nghiệp đó liên hệ nhờ đối chứng, nghe nhận xét ứng viên.
"Đơn vị kia gọi điện sang, muốn xác minh lại thông tin vì người đồng nghiệp cũ của tôi tự xưng là 'Trưởng phòng marketing' tại đây", cô kể với Zing.
Việc người này nói khống về chức danh khiến Thanh Hà và nhiều nhân viên khác cùng nhóm cảm thấy khó hiểu, trở thành đề tài bàn tán suốt thời gian dài.
Đồng thời, điều này cũng khiến cô và mọi người không hài lòng khi bị nhầm tưởng là cấp dưới của một người không đủ năng lực.
"Lúc rời khỏi công ty, người đồng nghiệp của tôi chỉ là nhân viên marketing với khoảng một năm kinh nghiệm. Thời gian sau, tôi thấy cậu ấy tiếp tục cập nhật hàng loạt chức danh mới như 'Giám đốc điều hành Trung tâm giảng dạy marketing chi nhánh TP Biên Hòa'...", cô nói.
Theo Quit Geniu, chức danh (title) dùng để mô tả trách nhiệm, mức độ công việc của một người trong lĩnh vực họ đang đảm nhận.
Đồng thời, chức danh cũng giúp nhân viên hiểu được vị trí của họ trong hệ thống phân cấp của công ty. Nhân sự có thể ghép, kết hợp cấp độ, vị trí của mình vào trong chức danh để mô tả các chức vụ đặc biệt hay cao hơn, ví dụ như Head Chef (bếp trưởng), Lead Accountant (kế toán trưởng)...
Trong thị trường lao động, việc xác định chức danh không chính xác, hay còn gọi là nói khống chức danh, có thể gây ra nhiều khó xử khi không có tiêu chí đồng bộ để đánh giá vị trí, năng lực của một người.
Việc các công ty cố tình lập ra nhiều chức danh hào nhoáng cũng tác động không nhỏ.
Công ty bất động sản nơi Thùy Chi (25 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) làm việc là một doanh nghiệp như vậy.
Theo Thùy Chi, cô vào đơn vị làm việc với vị trí nhân viên kinh doanh, chuyên tìm kiếm khách hàng, tư vấn dịch vụ và cố gắng ký được hợp đồng với nhiều khách hàng nhất có thể.
Nữ nhân viên văn phòng được hứa hẹn sẽ có lộ trình thăng tiến nhanh chóng chỉ sau 6 tháng làm việc tại công ty. Lời hứa này khiến cô hào hứng với công việc mới.
Quả thực, không cần đến nửa năm, cô đã được đề bạt lên vị trí "trưởng nhóm".
Tuy nhiên, cả nhóm 8 thành viên của cô thì có đến 3 người được thăng chức tương tự, tức là đến một nửa nhân sự làm sếp.
"Tôi càng rối ren hơn khi dù lên chức, công việc của tôi lại không có nhiều thay đổi. Tôi vẫn tiếp tục nhiệm vụ y như cũ, chỉ có điều danh xưng trên danh thiếp thay đổi. Với chức vụ này, tôi được phép tìm thêm cộng tác viên nhằm mở rộng mạng lưới tư vấn", cô lý giải với Zing.
Mức lương của Thùy Chi vẫn không thay đổi dù được thăng chức. Cô chỉ có thu nhập nếu bán được căn hộ, thậm chí còn bị cấp trên yêu cầu tìm thêm cộng tác viên để tự quản lý.
"Thực chất, tất cả trưởng nhóm vẫn đều phải tiếp tục việc tư vấn, bán sản phẩm. Có lẽ công ty muốn chúng tôi có chức danh cao hơn như một ấn tượng khi đi giao tiếp. Công ty tôi có 10-20 nhóm sales như vậy", cô cho hay.
Năng lực không thể làm ảo
Rời khỏi công ty cũ sau hơn một năm gắn bó, Thùy Chi ghi chức danh "Trưởng nhóm kinh doanh thị trường" vào CV xin việc. Cô nhanh chóng vượt qua vòng phỏng vấn cho vị trí trợ lý trưởng phòng tại một công ty xây dựng.
Công việc này đòi hỏi Thùy Chi cần có sự nhạy bén, có khả năng quản lý và điều phối các đầu việc. Tuy nhiên, cô chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào như vậy. Thừa nhận với Zing, cô cho biết mình rất bối rối, không biết bắt đầu từ đâu.
"Đáng tiếc thay, tôi không qua được vòng thử việc", cô thở dài.
Quay trở lại với Thanh Hà, vì tò mò, cô tìm hiểu về trung tâm giảng dạy marketing mà người đồng nghiệp đang làm "Giám đốc điều hành" ở tuổi 25. Nữ nhân viên cho biết mình không tin một người thiếu kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm lại được giao phó quản lý một nơi giảng dạy.
Sau khi tìm hiểu, Thanh Hà không quá bất ngờ khi trung tâm này không có bất kỳ một bài viết hay tương tác nào kể từ tháng 6/2022.
"Tôi không hiểu những chức danh đó mang lại gì cho họ trong khi giá trị họ tạo ra bằng 0", cô nói.
Không chỉ nhân viên, nhiều quản lý cũng từng đau đầu khi gặp những ứng viên thiếu trung thực khi xưng chức danh trong quá trình phỏng vấn, làm việc.
Điều này khiến họ không có được nhân sự với đủ khả năng như kỳ vọng.
Phong Trần (28 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM), quản lý một nhãn hàng tiêu dùng nhanh, cho biết mình gặp những cấp dưới "đánh bóng" vai trò trong quá trình làm việc.
Theo đó, anh từng rất ấn tượng với hồ sơ của một nhân sự ứng tuyển cho vị trí Brand Manager Assistant (Trợ lý quản lý nhãn hàng). Khi phỏng vấn, người này được phòng nhân sự và cả cấp trên đánh giá cao bởi thái độ tốt, tự tin, nhanh nhẹn và rất khéo léo.
Trong CV, nhân viên này ghi rõ chức danh Senior Marketing Executive (nhân viên marketing cấp cao) tại công ty cũ trong vòng một năm. Điều này khiến anh yên tâm khi cấp dưới mình cũng đã có đủ kinh nghiệm để hỗ trợ anh và đội nhóm cùng phát triển.
"Nhưng quá trình thử việc 2 tháng của nhân viên cấp dưới này lại không như kỳ vọng của tôi. Ban đầu, tôi nghĩ do bạn ấy khó thích nghi với môi trường mới nên vẫn hỗ trợ. Nhưng việc chậm chạp trong quá trình xử lý tình huống của nhân viên này khiến cả nhóm đều bị chậm tiến độ vì phải hỗ trợ lẫn nhau", anh nói thêm.
Anh sử dụng mối quan hệ trong ngành để tìm hiểu, được biết nhân viên kia chỉ vừa làm chính thức ở vị trí nhân viên marketing tại công ty cũ với tổng thời gian 11 tháng.
"Việc nhảy cấp bậc hoàn toàn có thể, nếu bạn cảm thấy mình đủ khả năng, kinh nghiệm. Tuy nhiên, bạn nên trình bày rõ nguyện vọng, mong muốn của mình trong quá trình phỏng vấn thay vì nói khống với nhà tuyển dụng. Đây cũng là sai sót của tôi khi sàng lọc không kỹ ứng viên", anh nói thêm.
Không khó để nhận ra ứng viên nói dối
Trao đổi với Zing, bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc Bộ phận Nhân sự, Tập đoàn Navigos Việt Nam, cho biết ở vị trí nhà tuyển dụng, những thông tin liên quan đến chức danh và kinh nghiệm của ứng viên tại công ty cũ là rất quan trọng.
Đây đều là những thông tin để doanh nghiệp nhận định mức độ phù hợp của ứng viên với vị trí đang tuyển dụng. Tuy nhiên, ứng viên cần tách bạch giữa 2 vấn đề này.
"Họ nên trung thực ngay từ khi bắt đầu bước vào vòng nộp CV, phỏng vấn. Hãy chia sẻ chính xác, chức danh, vị trí đảm nhiệm tại công ty cũ theo đúng hợp đồng lao động. Sau đó, bạn có thể trình bày thêm các phần việc đã đảm nhiệm, các khả năng, kinh nghiệm tích lũy để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng", bà nói.
Bà Hoài Linh nhận định không khó để bộ phận nhân sự kiểm tra các thông tin từ ứng viên cung cấp. Thậm chí, chuyên gia này nhận định ứng viên còn có thể bị ảnh hưởng đến hình ảnh, danh tiếng bản thân trong ngành, gặp khó khăn khi ứng tuyển vào vị trí tương đương ở các công ty khác.
"Về phía nhà tuyển dụng, việc dành thời gian cho một ứng viên đã cho thấy thiện chí, mong muốn tìm cơ hội làm việc cùng nhau. Việc gặp phải ứng viên thiếu trung thực, dẫn đến việc mất thời gian, nguồn lực để phỏng vấn, trao đổi, xác thực thông tin", bà cho hay.
Bà Hà Linh cho biết để cải thiện vấn đề này, các doanh nghiệp cần củng cố kỹ năng phỏng vấn, tuyển dụng, tham chiếu bằng cách hỏi sâu hơn, lắng nghe, tìm hiểu nhiều hơn để hiểu được ứng viên có thực sự có kinh nghiệm phù hợp với vị trí tuyển dụng hay không.
Trong khi đó, theo Corporate Rebels, một trong những điều đáng xấu hổ nhất của nhân viên hiện nay là sự cạnh tranh để tìm ra được một chức danh công việc đẹp đẽ bỏ vào CV.
Trên thực tế, những dòng giới thiệu bóng bẩy này không khiến họ trở nên thu hút hơn.
Trong môi trường doanh nghiệp, lạm phát chức danh xảy ra do mọi người thường xác định theo một công thức cũ với các cụm từ "đao to búa lớn" về nghề nghiệp như: phân tích, quản trị, cung cấp nguồn lực..., sau đó đính kèm với các cụm từ chỉ thứ bậc như trưởng phòng, giám đốc, điều hành, quản lý, giám sát.
Các chức danh nghe có vẻ ấn tượng, tuy nhiên, nó không đem lại ý nghĩa và ai cũng mơ hồ về những danh xưng hão huyền bạn tự gắn đằng sau tên của mình.