Sự trở lại của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư thời gian gần đây. Hàng chục nghìn tỷ đồng vốn ngoại đổ vào mua gom trên diện rộng qua các quỹ chủ động, ETF,... trở thành động lực chủ yếu kéo thị trường hồi phục mạnh từ đáy.
Dù vậy, vẫn còn không ít cổ phiếu nằm ngoài xu hướng trên, thậm chí bị bán ròng khá mạnh có thể kể đến như VTP của Viettel Post. Từ đầu tháng 12, VTP đã bị bán ròng trong 14 phiên liên tiếp với tổng giá trị 29 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, giá trị bán ròng đã lên đến gần 93 tỷ đồng. Đây là một điều khá bất ngờ bởi cổ phiếu này từng rất được khối ngoại săn đón trong quá khứ.
Tại phiên đấu giá cổ phần Viettel Post thuộc sở hữu của Viettel vào tháng 11/2020, có đến 10 tổ chức nước ngoài đăng ký mua 6,14 triệu cổ phiếu, gấp 1,2 lần khối lượng chào bán. Sau phiên đấu giá thành công, danh sách cổ đông của Viettel Post có sự hiện diện của nhiều quỹ ngoại tên tuổi như Vietnam Holding Ltd, Lumen Vietnam Fund,...
Đáng chú ý, cổ phiếu này còn thường xuyên lọt vào top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục của Lumen Vietnam Fund. Tuy nhiên, theo cập nhất mới nhất đến thời điểm 15/12, VTP đã không còn nằm trong danh sách này. Không loại trừ khả năng, Lumen Vietnam Fund đã bán ròng mạnh cổ phiếu VTP từ đầu tháng 12.
Động thái bán ròng triền miên của khối ngoại gây áp lực lớn lên VTP trong khi chưa thực sự thu hút được dòng tiền nội. Sau nhịp hồi ngắn ngủi từ đáy lịch sử, cổ phiếu này đã nhanh chóng quay đầu giảm và có xu hướng trôi về vùng đáy cũ. VTP hiện đang giao dịch quanh mức 27.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 30% so với mức thấp nhất lịch sử nhưng chỉ bằng 1/3 so với đỉnh đạt được đầu năm 2021.
Giá trị vốn hóa của Viettel Post cũng theo đó bị thổi bay hơn 6.000 tỷ đồng xuống chỉ còn khoảng 3.200 tỷ đồng. Con số này hiện chỉ bằng khoảng một nửa so với “người anh em” Viettel Construction (CTR).
Cạnh tranh gay gắt ảnh hưởng đến khả năng sinh lời
Một trong những yếu tố khiến Viettel Post dần trở nên kém hấp dẫn trong mắt khối ngoại đến từ mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực chuyển phát nhanh – một trong hai mảng hoạt động chính của doanh nghiệp. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia lĩnh vực vận chuyển, có thể kể tới như VNPost, Grab, GHTK, Giao Hàng Nhanh, Be, Ahamove...
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng biên lợi nhuận của mảng dịch vụ của Viettel Post sẽ giảm dần trong thời gian tới do cạnh tranh về giá trong các dịch vụ giao hàng ngày càng gay gắt, các sáng kiến cải thiện biên lợi nhuận và tối ưu hóa hoạt động thấp hơn dự kiến. Mặt khác, VCSC kỳ vọng biên lợi nhuận của mảng này có thể dần cải thiện với dự báo chi phí nhiên liệu sẽ giảm. Tuy nhiên, với biến động khó lường của giá dầu trong bối cảnh tình thế giới còn nhiều bất ổn, xu hướng trên vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng.
Trong năm 2023, VCSC kỳ vọng tăng trưởng tổng doanh thu sẽ được dẫn dắt bởi mảng dịch vụ với mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. Sản lượng chuyển phát được kỳ vọng sẽ tăng 20% so với cùng kỳ trong năm 2023 do (1) thị trường Việt Nam phục hồi hoàn toàn và thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh và (2) kỳ vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng các quy định đối với logistic trong nước vào năm 2023. Tuy nhiên, hai yếu tố tích cực này sẽ bị ảnh hưởng một phần bởi sức mua yếu hơn của người tiêu dùng dẫn đến nhu cầu chi tiêu giảm.
Về trung hạn, VCSC đánh giá biên lợi nhuận gộp của Viettel Post sẽ được cải thiện nhờ sự chuyển dịch cơ cấu doanh thu, mảng thương mại vốn có biên lợi nhuận thấp sẽ giảm dần. CTCK này dự phóng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) EPS có thể đạt 13% trong giai đoạn 2023-2026 do (1) mảng thương mại điện tử tăng trưởng mạnh tại Việt Nam nhờ vào mức độ tiếp cận thương mại điện tử của khách hàng ngày càng tăng, (2) VTP cải thiện hiệu quả cơ cấu chi phí và (3) mảng dịch vụ chuyển phát phục hồi hoàn toàn trong khi chi phí vận hành giảm.