Theo một nghiên cứu gần đây của Viện CFA và Tổ chức Giáo dục Nhà đầu tư (Finra), hơn một nửa Gen Z tại Trung Quốc đã tham gia thị trường chứng khoán vì tâm lý sợ bỏ lỡ (Fomo). Mục tiêu hàng đầu của họ là kiếm đủ tiền để dư dả đi du lịch. Khảo sát được thực hiện với hơn 2.800 nhà đầu tư Gen Z, Millennial và Gen X ở Trung Quốc, Mỹ, Vương quốc Anh và Canada vào tháng 11 và tháng 12 năm ngoái.
Theo Paul Andrews, giám đốc điều hành nghiên cứu tại CFA, người trẻ mới tham gia thị trường đang định hình lại các hoạt động, sản phẩm và nền tảng đầu tư. Chúng khác biệt đáng kể so với tâm lý và mục đích của nhóm các nhà đầu tư trước đó.
“Một loạt các yếu tố kinh tế vĩ mô và xã hội như lạm phát, sự phổ biến của tiền số và KOLs trên mạng xã hội đang tác động sâu sắc đến cách thức và danh mục đầu tư của người trẻ”, Paul Andrews nói.
Nghiên cứu cho thấy gần 2/3 các nhà đầu tư Gen Z, trong độ tuổi từ 18 đến 25 tại Trung Quốc, đã bắt đầu tham gia thị trường từ trước năm 21 tuổi và trung bình rót 120.000 nhân dân tệ (hơn 400 triệu đồng) vào cổ phiếu. Mặc dù các nhà đầu tư Trung Quốc có số dư đầu tư trung bình lớn nhất so với Mỹ, Anh và Canada, song tỷ lệ người trẻ tham gia đầu tư tại đây lại thấp hơn ở Mỹ, nơi có khoảng 82% nhà đầu tư bắt đầu đầu tư trước khi bước sang tuổi 21.
Fomo là yếu tố quyết định bắt đầu đầu tư của người trẻ, trong đó tỷ lệ Fomo ở Gen Z Trung Quốc là 60%, Anh là 43% còn Mỹ là 41%. Mối bận tâm tới thị trường tài chính cũng là một trong những động lực hàng đầu đối với Gen Z Trung Quốc.
Shailene Wei, 23 tuổi, giám đốc phát triển kinh doanh đến từ Thượng Hải, bắt đầu đầu tư cách đây 2 năm và dành 60% tiền lương hàng tháng vào các quỹ tương hỗ.
“Tôi học chuyên ngành tài chính, sau đó tự mày mò để kiếm tiền từ đầu tư”, Wei cho biết. Cô hiện đang đầu tư vào danh mục các quỹ an toàn và gần như không phải quan tâm quá nhiều đến biến động của cổ phiếu.
Ellen Wang, một nhà phân tích công nghiệp 23 tuổi đến từ Thượng Hải, thì đầu tư vào cổ phiếu và chứng chỉ quỹ từ năm 20 tuổi. Cô có khoảng 30.000 nhân dân tệ để đầu tư, trong đó 10.000 nhân dân tệ được cha mẹ cho.
“Tôi muốn đầu tư vì chuyên ngành tôi học là tài chính. Bố và bạn trai tôi cũng thường xuyên giao dịch, vậy nên, chúng tôi hay thảo luận cùng nhau để tìm mã thích hợp”, Wang nói.
Nghiên cứu cho thấy hầu hết các nhà đầu tư Gen Z ở Trung Quốc lấy thông tin đầu tư từ các nền tảng có trụ sở tại Trung Quốc như Weibo, WeChat và Douyin. Gerri Walsh, chủ tịch của Finra cho biết: “Gen Z đa dạng lứa tuổi và hiểu biết về kỹ thuật số. Họ đang sử dụng công nghệ di động để thâm nhập thị trường tài chính với số lượng lớn chưa từng có”.
Theo SCMP, hầu hết Gen Z của Trung Quốc đang đầu tư vào các quỹ tương hỗ. Maggie Wu, sinh viên mới tốt nghiệp 25 tuổi ở Bắc Kinh, hiện đang có 20.000 nhân dân tệ trong quỹ và trái phiếu. Cô bắt đầu đầu tư cách đây 3 năm bằng tiền tiết kiệm. Lời khuyên đầu tư chủ yếu đến từ bố mẹ.
“Bố tôi làm việc tại ngân hàng. Hơn 60% nhà đầu tư Gen Z của Trung Quốc có cha mẹ đều là những nhà đầu tư và họ cho con lời khuyên về việc dùng vốn”, Maggie Wu nói.
Nghiên cứu cho thấy mục tiêu đầu tư hàng đầu của Gen Z Trung Quốc chủ yếu là để có tiền đi du lịch. Trong khi đó, hơn 50% Gen Z Canada đầu tư chủ yếu để thanh toán hóa đơn hàng tháng và 48% Gen Z Anh đầu tư để mua nhà.
Tiền số là lựa chọn đầu tư hàng đầu của các nhà đầu tư Gen Z Mỹ, Anh và Canada, song không đúng với Trung Quốc - quốc gia quản lý nghiêm các hoạt động đầu tư vào tiền ảo. Bắc Kinh đã bắt đầu loại bỏ dần giao dịch tiền số vào năm 2013 và cấm hoàn toàn vào tháng 5/2021.
Andrews của CFA cho biết, mặc dù các ứng dụng đầu tư và mạng xã hội đang giúp các nhà đầu tư Gen Z tiếp cận thông tin tài chính dễ dàng hơn song họ vẫn đang gặp phải một số rào cản.
“Chính phủ, cơ quan quản lý và các chuyên gia đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Gen Z có kiến thức cần thiết để đầu tư sáng suốt và có trách nhiệm”, ông Andrews nói.
Theo: SCMP