Chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam đang đứng trước nhiều áp lực?
Theo số liệu mới nhất vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, sau một thời gian dài được kìm hãm, lạm phát của nước này đã quay đầu tăng từ 3,0% lên 3,2%, nới rộng khoảng cách với mục tiêu kiềm chế 2% của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED). Điều này đã khiến cho không ít nhà đầu tư và giới chuyên môn cho rằng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 1 lần nữa và mức tăng có thể sẽ mạnh hơn so với đợt điều chỉnh hồi tháng 7 vừa qua.
Trong nước, tỷ giá tăng mạnh các phiên gần đây và vượt 24.000 đồng/USD trong sáng 15/8/2023, tăng 1,43% so với đầu năm. Mặt khác, các số liệu của tổng cục thống kê cho thấy, lạm phát tháng 7/2023 là 2,06%, cao hơn 0,06 điểm phần trăm so với hồi tháng 6.
Quay trở lại hồi quý III/2022, trước áp lực lạm phát và tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định tăng lãi suất điều hành lần đầu sau hơn 11 năm. Với các áp lực từ trong và ngoài, cộng thêm sự củng cố của dữ liệu quá khứ, không ít nhà đầu tư đang có lo ngại chính sách tiền tệ sẽ khó lòng có thể duy trì trạng thái nới lỏng trong những tháng còn lại của năm 2023.
Chính sách tiền tệ những tháng cuối năm sẽ như thế nào?
Theo chuyên gia kinh tế TS.Ngô Ngọc Quang - Đại học Ngân hàng TP.HCM, thống kê quá khứ từ năm 2001 đến tháng 7/2023 cho thấy, mức lạm phát Mỹ 3,2% tuy vẫn còn khá xa mục tiêu 2% của FED, song đây không phải là một con số quá đột biến và vẫn là một mức chấp nhận được. Bên cạnh đó, lạm phát lõi của quốc gia này vẫn đang giảm từ hồi đầu năm đến nay. Do đó, có thể FED sẽ không phải có những hành động quyết liệt thắt chặt tiền tệ như trước đây - điều đã từng khiến Ngân hàng Trung ương các nước khác, trong đó có Việt Nam, phải lo lắng.
Về vấn đề tỷ giá và lạm phát, TS. Quang cho rằng, xét trong 10 năm vừa qua, tỷ giá Việt Nam thường được kiểm soát trong biên độ biến động 3% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, mức tăng 1,43% như mới đây qua chưa phải quá lớn. Bên cạnh đó, nền tảng hiện nay của Việt Nam về dự trữ ngoại hối, xuất khẩu đã tốt hơn giai đoạn quý III-IV/2022. Đồng thời, lạm phát toàn phần tuy có nhích lên, song lạm phát lõi vẫn trong xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. Do đó, áp lực vẫn chưa đủ lớn để buộc Ngân hàng Nhà nước phải ngưng nới lỏng chính sách tiền tệ.
Chuyên gia từ Đại học Ngân hàng nói thêm, thời gian vừa qua, cả Mỹ và Việt Nam đều đã có những biện pháp quyết liệt để ghìm “bão giá”. Điều này có thể được nhìn thấy rất rõ bởi việc lạm phát giảm khá nhanh. Tuy nhiên, trên thực tế, để tạo đà tăng trưởng, các nền kinh tế sẽ buộc phải chấp nhận một mức lạm phát tương đối. Trong thời gian vừa qua, tình hình sản xuất kinh doanh ở cả hai nước đã đi qua giai đoạn hậu Covid khó khăn nhất, một số tín hiệu ấm dần lên đã bắt đầu xuất hiện, điển hình là sự phục hồi của thị trường chứng khoán - phong vũ biểu của nền kinh tế. Do đó, việc lạm phát nhích nhẹ lên gần đây ở 2 quốc gia có thể là một minh chứng cho việc phục hồi, hơn là một chỉ báo về việc nền kinh tế có thể sẽ quay lại giai đoạn thắt chặt tiền tệ.
Chuyên gia kinh tế TS.Ngô Ngọc Quang - Đại học Ngân hàng TP.HCM
“Từ giờ đến cuối năm, tôi cho rằng tình hình lạm phát và tỷ giá Việt Nam vẫn ổn định. Chính sách tiền tệ vẫn sẽ giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng. Bên cạnh đó, không chỉ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa gồm đầu tư công, tăng lương cơ bản, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế,... cũng đang được thúc đẩy mạnh hơn. Do đó, tình hình tăng trưởng kinh tế sẽ khả quan hơn giai đoạn đầu năm”, TS. Quang dự báo về tình hình lãi suất và tăng trưởng kinh tế trong nước thời gian tới.