Theo Bộ Công Thương, thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam ước đạt doanh thu 2,4 tỷ USD trong năm 2021 với tốc độ tăng trưởng bình quân 30-35%/năm kể từ năm 2015. Đến nay, tốc độ tăng trưởng người dùng của các ứng dụng gọi xe chỉ xếp sau thương mại điện tử, vốn là một trong những lĩnh vực dẫn đầu kinh tế số.
Hậu Covid-19, nhu cầu gọi xe và di chuyển của người dân bắt đầu phục hồi. Do đó, không chỉ đẩy mạnh chương trình ưu đãi nhằm thu hút người dùng, lấy thị phần, các hãng còn tăng cường chính sách hỗ trợ, thưởng nóng cho lái xe nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định.
Ai đang thống trị thị trường?
Dù là miếng bánh hấp dẫn với doanh thu vào năm 2025 có thể đạt 4 tỷ USD , thị trường gọi xe công nghệ vẫn là sân chơi riêng của 3 ông lớn gồm Grab, Gojek và be. Số liệu của Statista vào năm 2020 cho thấy 3 ứng dụng này tập trung tới 99% thị phần.
Theo một khảo sát của Q&Me công bố vào tháng 6/2021, dựa trên số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe hai bánh, Grab đang chiếm khoảng 60% thị phần, Gojek chiếm 19% còn be chiếm 18%.
Đối với ôtô, thị phần của Grab áp đảo 66%, be chiếm 22% và phần còn lại chia cho các ứng dụng khác như FastGo (8%), VATO (4%), MyGO (8%)… Do ra mắt muộn vào cuối năm 2021, dịch vụ gọi ôtô GoCar của Gojek không có mặt trong báo cáo.
Trong khi đó, Mai Linh, Vinasun, VinaTaxi vẫn là 3 hãng dẫn đầu ngành taxi toàn quốc. Trải qua hai năm chật vật vì Covid-19 và tình trạng du lịch đóng cửa, hầu hết hãng xe đều phải cắt giảm phương tiện, tinh giản nhân sự nhằm hạn chế thua lỗ.
Theo báo cáo tài chính tính đến cuối năm 2021, Vinasun điều chỉnh còn 1.877 nhân viên, giảm hơn 2.500 người so với đầu năm. Tương tự, cùng giai đoạn, Mai Linh cho biết đã đầu tư 303 xe mới và thanh lý 1.017 xe, kéo tổng số phương tiện taxi của hãng xuống 13.861 đơn vị.
Điều này vô tình khiến quy mô của taxi truyền thống bị thu hẹp so với các ứng dụng gọi xe công nghệ. Tuy nhiên, nhờ lượng khách hồi phục, các hãng đã bắt tay tuyển dụng tài xế trở lại cũng như tăng cường đầu xe.
Khảo sát cho thấy 49% người dùng thường xuyên sử dụng dịch vụ di chuyển bằng ôtô trên các ứng dụng. Mặt khác, tỷ lệ này với taxi truyền thống là 23%.
Vẫn có khoảng 28% người dùng có thói quen sử dụng song song hai loại hình dịch vụ. Nhìn chung, taxi truyền thống vẫn sở hữu những giá trị riêng đem lại lợi ích cho khách hàng.
Ồ ạt tăng cước
Nhu cầu đi lại của người dân nhộn nhịp trở lại mở ra nhiều cơ hội mới cho thị trường xe công nghệ lẫn taxi truyền thống. Chia sẻ với Zing, đại diện các hãng xe đều ghi nhận xu hướng tăng trưởng số lượng chuyến đi ấn tượng.
Nhưng, bên cạnh việc cải thiện doanh thu và cố gắng sinh lời, các hãng xe vẫn phải đối mặt bài toán nhân sự trong bối cảnh giá hàng hóa, đặc biệt là nhiên liệu, vươn lên mức lịch sử.
Để bù đắp chi phí, cả xe công nghệ và taxi truyền thống đều rục rịch tăng giá cước. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đến hết ngày 16/3, địa bàn có 15 doanh nghiệp taxi và 13 doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định xin đăng ký lại giá cước.
Tương tự, cả 3 ứng dụng Grab, Gojek, be cũng tiến hành tăng giá cả dịch vụ xe 2 bánh lẫn 4 bánh. Dẫu vậy, mức tăng này khó bắt kịp xu hướng đi lên của nhiên liệu.
Tính đến nay, cánh tài xế đang phải trả 30.230 đồng/lít xăng E5 Ron 92 hoặc 31.370 đồng/lít cho xăng Ron 95. Giá xăng tăng cao ăn lẹm vào thu nhập của lái xe, buộc một số người phải tìm kiếm công việc khác hoặc giảm tần suất hoạt động so với thường lệ.
Dù tuyên bố sở hữu lực lượng tài xế lớn, một số hãng vẫn xảy ra hiện tượng khách hàng khó gọi xe do mất cân bằng cung - cầu. Vấn đề này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song, tình trạng thiếu hụt nguồn cung tài xế vẫn là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng.
Tăng đãi ngộ
Ngoài tăng giá cước, các hãng xe đã phải tung ra hàng loạt chính sách hỗ trợ, thưởng nóng nhằm giữ chân và ổn định tâm lý người lao động.
Theo ông Tạ Long Hỷ - Tổng giám đốc Vinasun - tài xế luôn sẵn sàng gắn bó lâu dài với công việc nếu được đảm bảo về thu nhập. Điều kiện doanh thu khá sẽ giúp tài xế giảm thiểu những tác động trước mắt của giá xăng dầu.
“Hiện tại, Vinasun chưa tăng cước và đang 'còng lưng' gánh các loại chi phí. Để tài xế yên tâm làm việc, chúng tôi còn hỗ trợ tiền xăng tuỳ theo loại xe, có thể hỗ trợ 1%, 2%, 3% thậm chí 3,5% doanh thu”, ông chia sẻ.
Gojek cũng thường xuyên triển khai các chương trình phúc lợi cho tài xế. Tài xế càng có hiệu suất hoạt động tốt, càng nhận được nhiều chính sách hỗ trợ.
Gần nhất, ứng dụng này gửi tặng đối tác phiếu xăng điện tử có giá trị tương ứng với mức xếp hạng hoạt động. Ưu đãi sẽ được duy trì liên tục trong 3 tháng cho đến kỳ xét duyệt xếp hạng tiếp theo.
Đồng thời, Gojek đưa ra một số quyền lợi khác như mua bảo hiểm sức khỏe với giá ưu đãi, tặng phụ kiện, vay tiêu dùng tài chính, mua xe trả góp…
Mặt khác, Grab ra mắt một số chương trình thưởng ngọc, thưởng doanh thu đối với chuyến xe có điểm đón khách xa hay trong khung giờ cao điểm để khuyến khích tài xế tích cực hoạt động. Về phía người dùng, ứng dụng triển khai hàng loạt ưu đãi, khuyến mãi để kích cầu, từ đó gia tăng chuyến xe cho đối tác.
be cũng triển khai nhiều chương trình thúc đẩy doanh thu của đối tác như “Lái nhiều thưởng cao”. Theo đó, tài xế sẽ được tích điểm sau mỗi cuốc xe hoàn thành và quy đổi ra tiền thưởng.
Ứng dụng cũng hỗ trợ chi phí đón khách điểm xa, áp dụng cho các chuyến xe có quãng đường đón khách tối thiểu 2 km. Ngoài ra, các tài xế be thân thiết, có hiệu suất hoạt động tốt sẽ nhận thêm tiền thưởng.