Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi UBND tỉnh Thái Bình về chủ trương quy hoạch bến cảng (kho nổi) tiếp nhận tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn ngoài khơi cửa Trà Lý trong quy hoạch hệ thống cảng biển.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Nhà máy điện khí LNG Thái Bình có công suất 1.500 MW thuộc danh mục dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện trong giai đoạn 2021-2030.
Hiện UBND tỉnh Thái Bình đang khẩn trương chỉ đạo các bước triển khai thủ tục đầu tư xây dựng dự án Nhà máy điện khí LNG Thái Bình có công suất 1.500 MW, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về cung ứng nguồn điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh hóa.
Trong bối cảnh thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển và nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế, vì vậy, phát triển nhiệt điện khí là hướng đi tất yếu.
Thái Bình là một trong hai địa phương phía Bắc được bổ sung quy hoạch phát triển dự án điện khí LNG.
Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình có ý nghĩa rất quan trọng, cấp thiết đối với an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự án điện khí LNG mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho cả nguồn năng lượng và môi trường, trong việc vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng, vừa góp phần đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, giảm khí thải và ô nhiễm môi trường.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, để triển khai một dự án LNG, từ lúc có quy hoạch đến khi có thể vận hành nhanh nhất ước tính 8 năm, thậm chí có dự án trên 10 năm. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án vừa là yêu cầu vừa là nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Bên cạnh đó, tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 và kết quả lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Giao thông vận tải xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan, khu bến Trà Lý được quy hoạch có bến tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng/khí (cho tàu đến 150.000 tấn) phục vụ Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình phù hợp với quy hoạch tổng thể về năng lượng và quy hoạch phát triển điện lực.
Theo kết quả lập Quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ, đối với khu bến Trà Lý, đến năm 2030 sẽ đầu tư bến cảng (kho nổi) hàng lỏng/khí tiếp nhận tàu trọng tải đến 150.000 tấn phía ngoài khơi cửa Trà Lý phục vụ Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình, năng lực thông qua đến 1,5 triệu tấn.
Do vậy, Bộ Giao thông vận tải thống nhất chủ trương quy hoạch bến cảng (kho nổi) tiếp nhận tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn ngoài khơi cửa Trà Lý phục vụ Trung tâm điện khí LNG Thái Bình như đề nghị của UBND tỉnh Thái Bình.
Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng hải Việt Nam tổng hợp nội dung đề nghị của UBND tỉnh Thái Bình tại văn bản số 3560/TTr-UBND ngày 11/10/2023 nêu trên trong quá trình chủ trì lập điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, Quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển và Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh Thái Bình để thống nhất các nội dung cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo đáp ứng tiến độ, chất lượng các Quy hoạch.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan; thống nhất các nội dung cụ thể đảm bảo phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chuyên ngành hàng hải và các quy hoạch liên quan trong quá trình thực hiện.