Cụ thể, theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt, trong tháng 10/2022, mặc dù tiền đồng mất giá mạnh lên đến hơn 4% nhưng xuất khẩu yếu đi đồng loạt ở tất cả các ngành hàng do nhu cầu bên ngoài sụt giảm.
Động lực tăng trưởng và hiệu ứng mức nền thấp vẫn hỗ trợ cho nhóm giày dép và túi xách, giúp nhóm dệt may, giày dép và túi xách vẫn tăng trưởng 23,9% so với cùng kỳ và 2,8% so với tháng trước. Tuy nhiên, những chỉ báo về đơn hàng cắt giảm lao động ở nhóm doanh nghiệp này đang báo hiệu sự sụt giảm mạnh trong doanh số xuất khẩu trong các tháng tới.
Xuất khẩu nhóm hàng điện tử có sự phục hồi nhẹ trong tháng 10/2022, tăng 3,2% so với cùng kỳ (so với mức giảm 2,2% trong tháng trước). Đáng lưu ý hơn là sự lao dốc thấy rõ trong tăng trưởng xuất khẩu của các nhóm hàng chủ chốt khác gồm nông nghiệp và thuỷ sản (+7,1% so với cùng kỳ trong tháng 10 so với mức tăng 18% của tháng 9), máy móc thiết bị (+8,6% so với cùng kỳ trong tháng 10 so với mức tăng 38,7% của tháng 9) và gỗ & sản phẩm gỗ (+27,1% so với cùng kỳ so với mức tăng 57,0% của tháng 9), một phần vì hiệu ứng mức nền thấp đã phai mờ, nhưng cũng thể hiện bức tranh kém sắc trong tăng trưởng các mặt hàng xuất khẩu chính.
Tính chung 10 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt 16,0%, tuy nhiên mức tăng trưởng này sẽ tiếp tục thụt lùi trong các tháng tiếp theo. Ước tính kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 375-380 tỷ đô la, tương ứng với tăng trưởng 12-13% so với cùng kỳ.
Theo thị trường xuất khẩu, bức tranh sụt giảm đơn hàng cũng có những dữ liệu rõ nét hơn. Cụ thể, xuất khẩu sụt giảm mạnh ở các thị trường như Mỹ, Anh, ASEAN và Hàn Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu sang khu vực EU vẫn là điểm sáng với mức tăng trưởng duy trì liên tục trên 23% trong 3 tháng gần đây, nguyên nhân một phần có thể đến từ việc doanh nghiệp vẫn tận dụng khá tốt hiệp định EVFTA, nhu cầu tích trữ trước khi mùa đông đến hoặc cũng có thể do chưa loại trừ yếu tố giá.
Nếu tham chiếu với thị trường Anh, điểm sáng này có thể khó duy trì được lâu. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là một thị trường xuất khẩu có tăng trưởng nổi bật, tăng 32,2% so với cùng kỳ trong tháng 10 dù thấp hơn mức tăng 50,4% và 61,3% của hai tháng liền trước.
Với triển vọng mở cửa sắp tới của thị trường Trung Quốc, VDSC không quá lạc quan rằng nhu cầu thị trường này sẽ phục hồi nhanh chóng, tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc tháng 10 chỉ đạt 4,7% so với cùng kỳ, luỹ kế 10 tháng dừng ở mức tăng 6,0%.
Trong khi việc tiền đồng mất giá không mang lại chất xúc tác tốt cho hoạt động xuất khẩu bởi nhu cầu bên ngoài sụt giảm, tỷ giá tăng cao phản ánh khá rõ khi bóc tách cấu phần tăng trưởng nhập khẩu.
Đối với nhập khẩu nguyên liệu, máy móc phục vụ sản xuất, không có nhiều chuyển biến so với các tháng gần đây. Cụ thể, nguyên liệu hàng điện tử chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ nhưng giảm 2,2% so với tháng trước. Hay nhập khẩu nguyên vật liệu dệt may tăng 8,0% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể mức tăng 22,1% của tháng 9/2022, và giảm 8,7% so với tháng trước.
Nhập khẩu mặt hàng máy móc thiết bị giảm 4,9% so với cùng kỳ và ghi nhận mức giảm theo tháng thứ ba liên tiếp trong bối cảnh một số doanh nghiệp phản ánh nguồn tín dụng hạn chế ảnh hưởng đến triển vọng đầu tư.
Trong khi đó, nhập khẩu các mặt hàng khác (chiếm hơn 40% tổng nhập khẩu), ghi nhận mức tăng 8,6% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng 3,7% của tháng trước. Tính chung 10 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu cả năm ước đạt 363-366 tỷ USD, tương ứng tăng 9-10% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại cả năm 2022 ước đạt 12-14 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư 3,6 tỷ USD trong năm 2021.