Sáng 3/1, chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – tăng 0,19% lên 103,6884. Trong ngày 2/1, DXY đã tăng 0,4% lên 103,63, sau khi giảm xuống chỉ 103,38 vào tuần cuối cùng của năm 2022 – mức thấp chưa từng có trong vòng 6 tháng.
Tâm lý của những người tham gia thị trường vẫn mong manh và giao dịch trong những ngày đầu năm diễn ra thưa thớt khi nhiều quốc gia, trong đó có cả những trung tâm thương mại lớn như Anh và Nhật Bản, đóng cửa nghỉ lễ.
Đồng euro trên thị trường quốc tế vào sáng 3/1 giảm khoảng 0,3% xuống 1,0683 USD/EUR, nhưng không xa so với mức cao nhất kể từ tháng 6; đồng bảng Anh cũng giảm 0,35% xuống 1,2051 GBP/USD.
So với đồng yên, đồng đô la giảm 0,25% xuống 130,76 JPY/USD, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8 vào tháng trước.
Đồng tiền của Mỹ đã suy yếu khi thị trường đặt cược rằng chu kỳ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sắp kết thúc.
Sau khi tăng lãi suất tổng cộng 425 điểm cơ bản kể từ tháng 3 để kiềm chế lạm phát, Fed đã bắt đầu giảm tốc độ tăng lãi suất. Việc Fed thắt chặt chính sách đã giúp chỉ số DXY tăng gần 8% vào năm ngoái, đánh dấu bước nhảy vọt hàng năm lớn nhất kể từ năm 2015.
Năm qua, đồng bạc xanh đã được hỗ trợ bởi các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát nóng. Cùng với sự gia tăng sức mạnh của đồng USD do các hành động chính sách của Fed, đồng euro đã bị ảnh hưởng bởi những lo ngại kéo dài về tình hình Ukraine và tác động của một cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm ẩn.
Đồng bảng Anh trong năm 2022 mất giá hơn 10%, kết thúc một năm được đánh dấu bởi những biến động chính trị và biến động thị trường. Về cuối năm, cả euro và bảng Anh đã được hỗ trợ bởi một loạt các đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh khi họ cũng đang cố gắng hạ giá đồng tiền đang tăng vọt của mình.
Ulrich Leuchtmann, người phụ trách bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại Commerzbank, cho biết: "Chỉ số đồng USD đang cố gắng tăng trở lại, nhưng chúng tôi nhận thấy nó đang mất đi một phần sức mạnh đã có được trong năm ngoái". "Sau cuộc họp gần đây nhất của Fed, thị trường không tin rằng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023. Đây sẽ là một năm thú vị."
Thị trường hiện đang tập trung vào các ngân hàng trung ương lớn, các dấu hiệu lạm phát, cũng như các tín hiệu về suy thoái có thể kéo dài và sâu.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva hôm 1/1 cho biết, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy hoạt động của nhà máy giảm tháng thứ ba liên tiếp và với tốc độ mạnh nhất trong gần ba năm.
Nhưng sự suy yếu trong lĩnh vực hoạt động sản xuất của khu vực đồng euro có thể đã qua đáy khi chuỗi cung ứng phục hồi và áp lực lạm phát giảm bớt, kết quả một cuộc khảo sát công bố ngày 2/1 cho thấy.
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của S&P Global về khu vực đồng euro đã tăng lên 47,8 trong tháng 12 so với 47,1 của tháng 11, phù hợp với kết quả sơ bộ nhưng vẫn dưới mốc 50, ngưỡng phân định giữa tăng và giảm.
Trong khi nền kinh tế khu vực đồng euro đang hướng tới suy thoái, những lo ngại về nguồn cung khí đốt trong mùa đông đã giảm bớt, nghĩa là suy thoái có thể không tồi tệ như lo ngại vài tháng trước.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cuối tuần qua cho biết tiền lương của khu vực đồng euro đang tăng nhanh hơn so với dự kiến và ECB phải ngăn chặn điều này, làm tăng thêm lạm phát vốn đã cao.
"Sức mạnh của đồng euro gần đây được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả những phát biểu cho thấy chủ trương tiếp tục thắt chặt tiền tệ từ EBC và hy vọng lãi suất của Mỹ đạt đỉnh," nhà phân tích trưởng Piet Haines Christiansen của Danske Bank cho biết.
"Nó (đồng euro) cũng được hỗ trợ bởi hy vọng rằng nguồn cung cấp năng lượng, như khí đốt tự nhiên, không phải là một tình huống tồi tệ như lo ngại."