Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn số 8380/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang để trả lời kiến nghị cử tri tỉnh An Giang về nhiều dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
Ủng hộ đầu tư tuyến tránh đô thị Cái Dầu, Vĩnh Thạnh Trung gần 1.500 tỷ đồng
Cụ thể, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết huyện Châu Phú có tuyến Quốc lộ 91 qua địa bàn huyện dài 30,2 km, mặt đường bê tông nhựa rộng 9 - 11 m. Đây là tuyến giao thông độc đạo, huyết mạch nối đô thị thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang và là tuyến giao thông quan trọng kết nối tỉnh An Giang với thành phố Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang và các tỉnh giáp biên giới thuộc Campuchia.
Tuy nhiên, hiện nay, lưu lượng xe trên Quốc lộ 91 ngày càng nhiều, thường xuyên kẹt xe và xảy ra tai nạn giao thông, nhất là đoạn qua thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú.
Ngoài ra, do mặt đường nhỏ hẹp, tải trọng bị hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận tải trao đổi hàng hóa ngày càng tăng của nhân dân.
Do yêu cầu cấp thiết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tuyến tránh đô thị Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung với chiều dài 9,5 km, chiều rộng nền đường 12 m, tổng kinh phí 1.495 tỷ đồng.
Phản hồi về đề xuất đầu tư xây dựng tuyến tránh các đô thị Cái Dầu, Vĩnh Thạnh Trung, Bộ Giao thông vận tải thống nhất về sự cần thiết đầu tư tuyến đường đi song hành với Quốc lộ 91, nối đường tỉnh ĐT.945 và đường tỉnh ĐT.947. Dự án được đầu tư sẽ từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực thị trấn Cái Dầu và Vĩnh Thạnh Trung, giảm tải lưu lượng cho Quốc lộ 91, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang.
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, tại khoản 5, mục III Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 quy định trong quá trình thực hiện quy hoạch, tùy theo nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực nghiên cứu đầu tư một số tuyến tránh đô thị.
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp chặt chẽ với Cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan đang được giao lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành để hoạch định quy hoạch tuyến cho phù hợp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch các cấp làm cơ sở cho việc đầu tư dự án khi bố trí được nguồn vốn.
Bộ Giao thông vận tải ủng hộ việc hỗ trợ nguồn vốn cho đầu tư xây dựng công trình và sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và các bộ, ngành có liên quan để nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư phù hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 266/TB-VPCP ngày 6/7/2023 của Văn phòng Chính phủ.
Khó cân đối vốn đầu tư cầu thay thế bến phà Tân Châu- Hồng Ngự
Bên cạnh đó, cử tri tỉnh An Giang tiếp tục kiến nghị trung ương quan tâm vì lợi ích chung cả khu vực mà ghi vốn đầu tư xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự để tạo điều kiện thuận lợi lưu thông và tiêu thụ hàng hóa cho các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An… đến các tỉnh, thành khác cũng như thuận lợi trong giao thương với nước bạn Campuchia.
Về đầu tư xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy hoạch, Quốc lộ N1 có tổng chiều dài 235 km, quy mô quy hoạch là đường cấp III - IV, 2 - 4 làn xe, trong đó, đoạn qua tỉnh An Giang dài khoảng 53 km, quy mô cấp III - IV, 2 - 4 làn xe.
"Hiện trạng mới chỉ có đoạn từ Châu Đốc - Hà Tiên đã được đầu tư theo quy hoạch, các đoạn tuyến còn lại khai thác chưa liên tục trên cơ sở tận dụng các tuyến đường địa phương với quy mô nhỏ hẹp", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ thực tế.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải rất hạn hẹp và cần ưu tiên bố trí cho các dự án động lực, quan trọng quốc gia như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành các dự án đang bị dừng dãn tiến độ, trả nợ vốn ứng trước, trả nợ các dự án BT…
"Do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên chưa thể bố trí được nguồn vốn để thực hiện việc đầu tư cầu Tân Châu - Hồng Ngự nhằm thay thế bến phà Tân Châu - Hồng Ngự như kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ khó khăn.
Bộ Giao thông vận tải thống nhất về sự cần thiết nghiên cứu, lập dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự trên Quốc lộ N1, đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế của tỉnh An Giang nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án khi có điều kiện về nguồn lực.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, đề xuất phương án bố trí nguồn vốn phù hợp cho dự án, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và các bộ, ngành để xây dựng, đề xuất phương án bố trí nguồn vốn phù hợp nhằm sớm triển khai thực hiện công trình này.
Huy động nguồn lực để nâng cấp đường địa phương lên quốc lộ
Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét công nhận Tỉnh lộ 952 (thị xã Tân Châu) là Quốc lộ 80B và đầu tư nâng cấp mở rộng hoặc đầu tư tuyến mới kết nối tuyến N1.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải cho hay theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các tuyến đường tỉnh lộ ĐT.942, ĐT.954, ĐT.953 qua địa bàn các tỉnh Đồng Tháp và An Giang được quy hoạch nâng thành Quốc lộ 80B với điểm đầu tại Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối tại cửa khẩu Vĩnh Xương, tỉnh An Giang, tổng chiều dài khoảng 120km; quy mô cấp III, 2 - 4 làn xe.
Đồng thời, tại Khoản 4, mục III, Điều 1 Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 quy định "Các tuyến đường địa phương được quy hoạch thành quốc lộ trong quyết định này chỉ nâng lên quốc lộ sau khi được đầu tư bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch và không thấp hơn quy mô đường cấp IV, 2 làn xe".
Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang căn cứ quy định nêu trên để huy động nguồn lực của địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh này, đảm bảo các tiêu chí nâng lên thành quốc lộ.
Sau khi hoàn thành công tác đầu tư xây dựng đảm bảo tiêu chí nâng lên thành quốc lộ, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và gửi về Bộ Giao thông vận tải phối hợp hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để quyết định điều chuyển tài sản theo quy định.
Sau khi tiếp nhận tài sản, Bộ Giao thông vận tải sẽ công bố Quốc lộ 80B theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và xem xét đầu tư nâng cấp mở rộng vào thời điểm thích hợp.
Đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh An Giang, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã trình Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và hoàn chỉnh các thủ tục để phân cấp cho UBND tỉnh An Giang thực hiện dự án thành phần 1 có chiều dài khoảng 57,2 km; tổng mức đầu tư khoảng 13.799 tỷ đồng.
Cùng với đó, "trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải đã cân đối 1.671 tỷ đồng để đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.