Tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc có 40.000 km đường sắt cao tốc đang hoạt động. Trong khi đó, tổng số km đường sắt của nước này lên tới 160.000 km. Nước này đã có các tuyến đường sắt chạy tốc độ 350 km/h, hoàn toàn do các doanh nghiệp nội địa sản xuất và phát triển. Chiều dài đường sắt cao tốc của Trung Quốc vẫn đang tăng lên theo từng năm, trong khi tốc độ nhanh hơn cũng đang được thử nghiệm.
Sự thành công của việc phát triển đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc có phần đóng góp rất lớn từ các doanh nghiệp nội địa. Chính phủ nước này tin tưởng đặt hàng các doanh nghiệp phát triển công nghệ đường sắt tốc độ cao - vốn thuộc về các nước phát triển. Chính vì vậy, đến nay, Trung Quốc được coi là cường quốc về đường sắt nói riêng và công nghiệp cơ khí nói chung.
Bài học mạnh dạn đặt hàng các doanh nghiệp trong nước để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, mua sắm công được nhiều nước áp dụng. Điều này giúp thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa phát triển, kích thích sản xuất. Đây cũng là bài học để Việt Nam học hỏi trong việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí của riêng mình.
Cần mạnh dạn đặt hàng doanh nghiệp
Trước Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, từng nhấn mạnh: Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế sản xuất, có lợi thế rất lớn khi thị trường nội địa gần 100 triệu dân. Đây là bệ đỡ quan trọng để doanh nghiệp vươn lên, phát triển. Do đó, ông đề xuất Chính phủ cần chuẩn bị nguồn lực đủ lớn tăng vốn đầu tư công trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Vốn đầu tư công nên đầu tư vào các dự án dở dang, hạn chế khởi công mới, hoàn thành để đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, ông đề nghị dành một phần đầu tư công để đặt hàng hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp cơ khí, chế tạo máy. “Điều này sẽ giúp góp phần hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”, ông nói.
Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là công nghiệp cơ khí xây dựng đường sắt, hậu cần vận tải biển và công nghiệp thông tin phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Nếu Chính phủ ưu tiên đặt hàng và cam kết dành thị phần cho các nhà đầu tư trong nước sẽ xây dựng được một nền công nghiệp đường sắt độc lập, hiện đại. Bởi việc đặt hàng, ưu tiên doanh nghiệp nội địa là điều rất quan trọng, giúp doanh nghiệp có thể đầu tư vào máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới. Điều này vừa có lợi cho nền kinh tế, vừa giúp hình thành một thế hệ doanh nghiệp lớn mạnh trong lĩnh vực sản xuất.
Đồng tình với đề xuất này, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài cho biết: Cơ quan này đang xây dựng cơ chế, tham mưu các chính sách đặt hàng sản xuất và chính sách mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước. Thậm chí các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước như EVN, PVN, Viettel, VNPT… cần phải ưu tiên mua sắm, đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, Cục Công nghiệp sẽ triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.
“Cục cũng nỗ lực tập trung đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò của các doanh nghiệp công nghiệp đầu tàu trong nước, doanh nghiệp FDI cũng như phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng để thúc đẩy liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước, khuyến khích các dự án ưu tiên sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện nội địa nhằm nâng cao tính độc lập, tự chủ”, ông Hoài nói.
Theo ông Hoài, muốn có cơ chế đặt hàng thì cần có sự đồng thuận rất lớn từ các bộ, ngành trong việc thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp. Cơ quan này cũng đang đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp để có các quy định cụ thể, chi tiết hơn trong việc mua sắm, đặt hàng doanh nghiệp nội địa.
Trước đó vào năm 2017, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước khi đấu thầu các dự án đầu tư phát triển, hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước. Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong nước phải chủ động tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nghiên cứu bám sát thị trường để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, phát triển năng lực sản xuất để cung ứng các sản phẩm máy móc, thiết bị đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, yêu cầu trong việc thực hiện các dự án, gói thầu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tuyên truyền, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng… để các đơn vị có nhu cầu biết và sử dụng.
Việt Nam có những doanh nghiệp cơ khí đủ năng lực
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam hiện có khả năng tham gia sản xuất những sản phẩm cơ khí quan trọng, công nghệ cao, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước. Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã có thể sản xuất được những sản phẩm đơn giản đến phức tạp. Ôtô “Made in Vietnam” có tỷ lệ nội địa hóa ngày càng cao, xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Theo một số chuyên gia cơ khí, hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp nội địa mạnh dạn chi hàng tỷ USD để đầu tư trang thiết bị máy móc, nhà xưởng và đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân cơ khí chất lượng cao. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF), Việt Nam lọt vào danh sách 10 quốc gia có số lượng kỹ sư lớn nhất thế giới với 100.390 kỹ sư tốt nghiệp/năm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là khoảng 30.000 doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo; với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh là 1,5 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 1,2 triệu lao động.
Hiện nay, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng trong lĩnh vực sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ từ các nước sang Việt Nam ngày càng rõ rệt. Ngành cơ khí đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực như Công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải – Thaco Industries (Tập đoàn thành viên của Thaco) tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai, Quảng Nam.
Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; và ôtô và phụ tùng ôtô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cơ khí của cả nước.
Từ năm 2003, Thaco đã đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai. Đến nay, Khu công nghiệp Thaco Chu Lai được coi là một hình mẫu về phát triển công nghiệp cơ khí của Việt Nam. Trong đó, Thaco Industries hoàn toàn có thể tham gia các dự án lớn, phục vụ dân dụng, công nghiệp… Tại Chu Lai, Thaco đã đầu tư hơn 80.500 tỷ đồng (tương đương 3,5 tỷ USD), bao gồm: Khu công nghiệp Cơ khí và Ôtô, Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp, Khu cảng và hậu cần cảng, Khu đô thị Chu Lai… rộng 1.300 ha.
Thaco Chu Lai được xem là Khu công nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô lớn nhất Việt Nam, thuộc top đầu trong khu vực ASEAN và là Trung tâm logistics phục vụ xuất nhập khẩu hàng đầu miền Trung. Đến nay, Thaco Chu Lai đã có tên trên bản đồ sản xuất lắp ráp ôtô của các thương hiệu quốc tế nổi tiếng trên thế giới với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60%.
Một số mẫu xe du lịch đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực RVC (Regional Value Content) để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu ôtô nội khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA. Các sản phẩm được sản xuất tại Chu Lai mang thương hiệu Thaco và các thương hiệu quốc tế (Kia, Mazda, Peugeot, BMW, Iveco, Volvo, Daimler Bus, Foton, Mitsubishi Fuso…) phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước; một số sản phẩm đã xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực ASEAN như: Thái Lan, Singapore, Campuchia, Myanmar, Philippines...