Sáng 20/10, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và kế hoạch 2023. Thẩm tra đánh giá báo cáo này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét, thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh và chia sẻ vai trò huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế với thị trường tiền tệ song có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro.
Trong tháng 9, VN-Index có xu hướng giảm điểm, kém tích cực. Kết phiên ngày 11/10/2022, chứng khoán Việt Nam đã giảm 522,37 điểm, tương ứng 34% từ đỉnh (ngày 6/1/2022), là thị trường có mức giảm mạnh nhất thế giới. VN-Index hiện đang ở mức thấp nhất kể từ phiên ngày 10/12/2020; HNX-Index và UPCoM-Index cũng đang ghi nhận mức điểm thấp nhất trong gần hai năm trở lại đây.
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng; cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối; chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao; sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.
Các doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng hoặc nợ trái phiếu đến hạn.
Theo Bộ Tài chính, khối lượng trái phiếu đáo hạn của doanh nghiệp bất động sản, xây dựng trong giai đoạn 2022 – 2025 vào khoảng 374,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,9% tổng khối lượng đáo hạn. Với việc tập trung huy động khối lượng lớn, kỳ hạn chỉ khoảng 3-4 năm, trong khi thời gian thu hồi vốn các dự án bất động sản có thể kéo dài 5-10 năm, một số doanh nghiệp bất động sản có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán trái phiếu đã phát hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế dẫn chứng vừa qua vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán xảy ra trong năm đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, đối với xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư.
"Có ý kiến đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời đề nghị có đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn", ông Thanh nói.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro tác động liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng.
"Có ý kiến cho rằng việc điều hành, quản lý nhà nước đối với các thị trường này còn “chuyển trạng thái đột ngột”, đã có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư; đề nghị tiếp tục nhận diện những rủi ro, có các giải pháp cụ thể để vừa bảo đảm an toàn, vừa thúc đẩy sự phát triển của các thị trường, phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế", ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Về các biện pháp nhằm ổn định thị trường, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành duy trì ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nhất là các lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vàng.
Lưu ý rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng. Thận trọng rủi ro nợ xấu khi đã chấm dứt chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, xử lý thực chất và hiệu quả các ngân hàng yếu kém, chú trọng tăng cường tiềm lực cho hệ thống các ngân hàng thương mại bằng các giải pháp tăng vốn, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước.
Khắc phục, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường doanh thu các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng có giá trị gia tăng cao; tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.