Lãnh đạo cực hữu đầu tiên của Italy kể từ sau Thế chiến II, nữ thủ tướng Giorgia Meloni đã lên tiếng phản đối cái mà bà gọi là “đồng tiền thuộc địa” của nước Pháp.
Trong một đoạn clip được quay vào năm 2019 và bất ngờ được lan truyền mạnh mẽ vào tháng 12/2022, bà Meloni cáo buộc Pháp sử dụng đồng franc CFA để khai thác tài nguyên và áp đặt sự thống trị về tài chính đối với 14 quốc gia châu Phi.
Rất nhiều điều nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Italy tuyên bố trong video không đúng sự thật, nhưng lập luận về đồng franc CFA cho đến nay vẫn gây tranh cãi.
Kỳ vọng thay đổi vận mệnh quốc gia
Một trong số 14 quốc gia châu Phi vẫn sử dụng đồng franc CFA là Cộng hòa Trung Phi, quốc gia không giáp biển với dân số khoảng 5 triệu người. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy đây là một trong những đất nước nghèo và kém phát triển nhất vì bị bao trùm bởi các cuộc chiến trong nhiều năm.
Khác với các quốc gia khác vẫn đang thảo luận về việc từ bỏ đồng franc CFA, Cộng hòa Trung Phi đi đầu trong việc đổi mới khi bất ngờ trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên và thứ hai trên thế giới chấp nhận Bitcoin như một loại tiền tệ.
Quốc hội Cộng hòa Trung Phi đã biểu quyết thông qua quyết định trên và Tổng thống Faustin Archange Touadera ký ban hành luật quản lý tiền mã hóa tại nước này. “Tiền số là sự thay thế cho tiền mặt. Đối với chúng tôi, nền kinh tế tập trung không còn là một lựa chọn nữa”, Tổng thống Faustin Archange Touadera nói.
Mặc cho những thông tin trái chiều về Bitcoin, bất đồng của quốc tế và phản ứng dữ dội của người dân, chính phủ Cộng hòa Trung Phi vẫn kiên quyết triển khai dự án số hóa đồng tiền trên toàn quốc.
Tại sự kiện ra mắt Bitcoin, chính phủ Cộng hòa Trung Phi cho biết việc áp dụng loại tiền số này sẽ thay đổi vận mệnh của đất nước và đưa họ “lên bản đồ của các quốc gia táo bạo và có tầm nhìn xa nhất trên thế giới”.
Bộ trưởng tài chính Herve Ndoba của Cộng hòa Trung Phi xem Bitcoin là cơ hội để nước này vươn lên. “Có một câu chuyện quen thuộc rằng các quốc gia châu Phi cận Sahara thường đến sau khi tiếp cận công nghệ mới. Lần này, chúng tôi có thể tự tin rằng đất nước đã đi trước một bước”, ông Ndoba nói với Bloomberg.
Sự thật phũ phàng
Tuy nhiên, cho đến 9 tháng sau, nhiều người trên khắp thế giới và thậm chí cả người dân Cộng hòa Trung Phi vẫn không nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào như hứa hẹn từ chính phủ.
“Có một lễ kỷ niệm lớn khi kế hoạch hợp thức đồng Bitcoin được công bố. Tất cả chúng tôi đều tự hào về đất nước của mình. Tuy nhiên, kể từ đó tôi không nghĩ rằng cuộc sống ở đây đã được cải thiện chút nào”, một sinh viên 20 tuổi tại Đại học Bangui, thủ đô Cộng hòa Trung Phi nói với Vice.
Theo Vice, chỉ 14% dân số Cộng hòa Trung Phi được sử dụng điện. Số người được tiếp cận Internet còn thấp hơn khi chỉ đạt vỏn vẹn 11% trong dân số khoảng 4,83 triệu người.
Về lý thuyết, Bitcoin không bị kiểm soát bởi bất kỳ quyền lực nào, không thể bị kiểm duyệt và có mặt trên toàn cầu. Đây quả thật là một sự thay đổi lớn so với tiền tệ của quốc gia, nhưng vấn đề nằm ở chỗ một công dân Cộng hòa Trung Phi trung bình phải mất đến 60 năm làm việc chỉ để mua một đồng Bitcoin duy nhất.
“Không có dấu hiệu nào của Bitcoin khi thanh toán mua sắm. Hầu hết thương nhân và khách hàng trên thị trường không có điện thoại hoặc Internet. Đặc biệt là những người bên ngoài Bangui, họ chẳng có gì cả”, một sinh viên khác nói thêm.
Sau El Salvador, Cộng hòa Trung Phi là quốc gia thứ hai trên thế giới chấp nhận Bitcoin như một loại tiền tệ hợp pháp. Tuy nhiên, quyết định này gần đây được mô tả là không có ích vì chỉ có khách du lịch mới thực sự dùng đến tiền số.
Trong khi mọi người có thể mong đợi các quốc gia khác làm theo El Salvador, không ai nghĩ rằng Cộng hòa Trung Phi là nước phù hợp đi tiên phong trong cải cách công nghệ này.
Đảng đối lập Cộng hòa Trung Phi đã phản đối đề xuất này ngay từ đầu. Ngân hàng các Quốc gia Trung Phi (BEAC) cũng gọi động thái này là có vấn đề và nhấn mạnh việc sử dụng song song một loại tiền tệ khác cùng với franc CFA không chỉ gây nguy hiểm cho mối quan hệ của quốc gia, mà còn với cả với các nước châu Phi khác.
Nỗ lực cứu vãn của Cộng hòa Trung Phi
Ngay sau khi nhận ra hầu hết công dân Cộng hòa Trung Phi không thể đầu tư vào Bitcoin, vào tháng 7/2022, chính phủ đã thúc đẩy và tung ra đồng tiền số của riêng mình với tên gọi Sangocoin.
Sangocoin được coi là tương lai của Cộng hòa Trung Phi và yêu cầu khoản đầu tư tối thiểu 500 USD. Đổi lại, các nhà đầu tư có thể mua đất ở quốc gia quốc gia giàu tài nguyên này với giá 10.000 USD và thậm chí mua quyền công dân với giá khoảng 60.000 USD.
Mặc dù vậy, những đề xuất này sau đó đã bị tòa án tối cao ngăn cản. Các nhà đầu tư Sangocoin hiện cũng bị khóa các giao dịch mua bán và không có cách nào để bán hay trao đổi chúng.
Alex Gladstein, Giám đốc Chiến lược của Tổ chức Nhân quyền cũng nghi ngờ về tính khả thi của việc triển khai Sangocoin của chính phủ Cộng hòa Trung Phi.
Dù là người đi đầu trong nỗ lực biến Bitcoin trở thành một loại tài sản chính thống và từng chỉ trích đồng franc CFA nhưng Gladstein vẫn cho rằng kế hoạch của chính phủ Cộng hòa Trung Phi là "nửa vời".
"Tôi rất thông cảm với việc một quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương chấp nhận Bitcoin như một loại tiền tệ thứ hai. Hơn thế nữa, Cộng hòa Trung Phi còn là quốc đã bị kiểm soát tài chính bởi quyền lực thuộc địa cũ trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, tôi không lạc quan lắm về việc triển khai tiền số", Gladstein nhận định với Vice.
Gladstein thừa nhận Bitcoin có thể là một công nghệ tài chính rất quan trọng đối với người dân Cộng hòa Trung Phi trong tương lai và chính phủ có thể đã nhận ra điều này có thể giúp ích cho mọi người.
Tuy nhiên, với một quốc gia còn đầy rẫy những vấn đề nội tại như Cộng hòa Trung Phi, vẫn còn rất nhiều thứ cần làm trước khi nghĩ đến một cuộc cách mạng bằng Bitcoin.