Theo báo cáo mới nhất từ Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tính đến ngày 10/4, số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tồn trên địa bàn tỉnh là 756 xe (gồm: 701 xe hoa quả, 55 xe hàng khác); giảm 38 xe so với tối 09/4/2023.
Cụ thể, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, số phương tiện tồn là 277 xe, (gồm: 264 xe hàng hoa quả; 13 xe hàng khác). Cửa khẩu phụ Tân Thanh, số phương tiện tồn 438 xe, trong đó có hơn 400 xe hoa quả. Cửa khẩu Cốc Nam, số phương tiện tồn là 25 xe hoa quả.
Mặc dù có tình trạng ùn ứ các phương tiện xuất khẩu, nhưng theo báo cáo chung của Lạng Sơn, trong quý I/2023, tình hình xuất khẩu qua địa phương này vẫn có những tín hiệu rất lạc quan.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn Lạng Sơn ước 640 triệu USD, đạt 16,84% kế hoạch, tăng 31,96% so với cùng kỳ, trong đó: xuất khẩu 300 triệu USD, đạt 23,08% kế hoạch, tăng 85,71%; nhập khẩu 340 triệu USD, đạt 13,6% kế hoạch, giảm 10,53%. Hàng địa phương xuất khẩu ước đạt 30 triệu USD, đạt 19,48% kế hoạch, tăng 20%.
Trong tháng 3 vừa qua, các hoạt động thông quan và lưu lượng phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn tăng cao do vào thời điểm thu hoạch hàng nông sản hai nước Việt - Trung.
Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu và các cơ quan liên quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm gia tăng năng lực thông quan, hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ phương tiện vận tải hàng hóa tại các cửa khẩu.
Qua đó, hiệu suất thông quan tăng cao, đạt trung bình từ 1.000 - 1.100 xe/ngày, đến nay hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã cơ bản trở lại bình thường.
Tại Lào Cai, tình hình xuất khẩu quý I/2023 đang chưa có được những chỉ số tích cực như tại Lạng Sơn.
3 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu của địa phương này đạt 423,62 triệu USD, giảm 15,03% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 164,59 triệu USD, giảm 36,57% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù mở cửa, nhưng Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, các biện pháp kiểm dịch đối với người và hàng hóa qua biên giới đã được chính quyền các tỉnh giáp biên giới triển khai mạnh mẽ, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn.
Hiện tại, đối với các mặt hàng nông sản, trái cây chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc như thanh long, dưa hấu, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm,… phía Trung Quốc thực hiện kiểm tra với tỷ lệ 100% các lô hàng hóa nhập khẩu do hầu hết các loại nông sản, trái cây của Việt Nam chưa ký kết được Nghị định thư về kiểm dịch với phía Trung Quốc. Việc này làm tăng nhiều thời gian và chi phí trong quá trình thông quan hàng hóa.
Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ban hành và triển khai thực hiện Lệnh 248 và 249 về việc đăng ký doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, quy định về bao bì, kiểm dịch động, thực vật.
Hiện nay, đối với một số loại mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh như sắn lát, ớt quả, cà phê... phía Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện đăng ký mã GACC mới có thể xuất khẩu vào thị trường này.