Theo dữ liệu của Trading Economics cuối ngày 4/7, giá vàng thế giới có thời điểm xuyên thủng ngưỡng 1.930 USD/ounce trong vòng 24 giờ qua, nhưng rồi nhanh chóng giảm về 1.926 USD/ounce. Dù vậy, đây vẫn là vùng giá cao nhất của kim loại quý kể từ khi bước vào đà giảm từ cuối tháng 6.
"Giá vàng đã phục hồi ngày thứ tư liên tiếp dù đến nay, vẫn chưa rõ động lực chính của đà tăng là gì", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích tài chính cấp cao có trụ sở ở Anh - nhận định.
Theo ông, giá vàng đã bật tăng sau khi trượt xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce, nhưng không có bất cứ yếu tố cơ bản nào giúp kim loại quý tiếp tục duy trì đà phục hồi.
Bài kiểm tra với kim loại quý
"Các ngân hàng trung ương vẫn đang quyết liệt trong cuộc chiến chống lạm phát. Họ cần phải tìm được những bằng chứng rõ ràng cho thấy lạm phát đã bước vào một đà giảm bền vững", ông lập luận.
Dù vậy, theo ông Erlam, đây vẫn là bài kiểm tra đối với quá trình phục hồi của thị trường vàng. "Việc di chuyển lên vùng 1.930-1.940 USD/ounce có thể là tín hiệu tăng giá, ít nhất là trong ngắn hạn. Các ngưỡng quan trọng tiếp theo là 1.960 USD/ounce, 1.980 USD/ounce và 2.000 USD/ounce", ông dự báo.
Giá vàng có lúc mất mốc 1.900 USD/ounce vào cuối tháng 6. Giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ còn phải tăng lãi suất điều hành thêm nhiều lần nữa trong năm nay, và hy vọng về việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm đã bốc hơi hoàn toàn.
"Sức hấp dẫn của vàng đã bay hơi. Các nhà đầu tư nhận ra rằng không chỉ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay, mà ngay cả việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ rất khó xảy ra", ông Erlam giải thích.
"Lạm phát thậm chí còn dai dẳng hơn dự đoán, và đó là tin xấu đối với vàng", vị chuyên gia nhận định.
Phụ thuộc vào lạm phát
Dữ liệu mới về nền kinh tế Mỹ là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực kìm hãm lạm phát của Fed và thị trường vàng. Theo báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố, trong quý I, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với ước tính trước đó.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất điều hành 10 lần liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái để hạ nhiệt lạm phát. Cơ quan này sẵn sàng đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường lao động chậm lại.
Nhưng việc nền kinh tế Mỹ chống chịu tốt hơn so với dự báo có nghĩa là các quan chức ngân hàng trung ương sẽ phải làm nhiều hơn.
Chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng sẽ tăng theo lãi suất, từ đó triệt tiêu sức hấp dẫn của kim loại quý. Vàng là tài sản trú ẩn an toàn không được trả lãi.
Ngay cả vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý đã trở nên mờ nhạt nhờ khả năng chống chịu của kinh tế Mỹ. Thị trường vàng thường hưởng lợi trực tiếp trong bối cảnh bất ổn kinh tế.
Tuy nhiên, giá vàng đã trở lại đà tăng sau thông tin lạm phát chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) hạ nhiệt trong tháng 5. Đây là thước đo lạm phát yêu thích của Fed.
Cụ thể, trong tháng 5, PCE chỉ tăng trưởng 3,8% so với một năm trước đó. Hồi tháng 4, tỷ lệ này là 4,3%. Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Dù vậy, lạm phát vẫn còn vượt xa mục tiêu của Fed. Trong khi đó, các quan chức ngân hàng trung ương đang liên tục nhấn mạnh về việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để bình ổn giá cả.
Thị trường năng lượng có khả năng bị thắt chặt trong nửa cuối năm nay cũng sẽ là tin xấu với nỗ lực chống lạm phát của Fed. Giá nhiên liệu sụt giảm đã góp phần lớn vào việc hạ nhiệt lạm phát chỉ số giá tiêu dùng.
Nhưng mới đây, Saudi Arabia cho biết sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu thô đơn phương thêm một tháng. Nga - đồng minh OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và liên minh) của Saudi Arabia - cũng vừa công bố các hạn chế xuất khẩu mới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo tình trạng khan hiếm trên thị trường dầu mỏ sẽ xảy ra vào cuối năm nay, khi nhu cầu dự kiến vượt cung 2 triệu thùng/ngày. Điều này có thể đẩy giá xăng dầu toàn cầu lên cao. Hồi năm ngoái, giá xăng tại Mỹ đã lập đỉnh và kéo lạm phát lên mức cao nhất nhiều thập kỷ.