Theo CNBC, CEO Apple Tim Cook đang ở Ấn Độ. Ông khai trương 2 cửa hàng mới của Apple tại nước này, chuẩn bị gặp Thủ tướng Narendra Modi và thăm các khách hàng trong nước.
Tất cả cho thấy Ấn Độ trở thành trọng tâm chiến lược lớn của Apple, khi chuỗi cung ứng của gã khổng lồ Mỹ rời khỏi Trung Quốc và thị trường điện thoại thông minh đã bão hòa.
Vai trò của Ấn Độ có thể giống với Trung Quốc trong các hoạt động kinh doanh của Apple 15 năm qua. Nước này sở hữu một thị trường rộng lớn, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng và có thể trở thành một trung tâm sản xuất hàng triệu thiết bị của Apple.
Thị trường rộng lớn
Với dân số đông và nền kinh tế đang phát triển, Ấn Độ trở thành thị trường lý tưởng để Apple thâm nhập. CNBC đưa tin chính phủ Ấn Độ cũng mong muốn hợp tác chặt chẽ với hãng sản xuất iPhone.
Apple vẫn còn dư địa để phát triển tại Ấn Độ. Hãng chiếm chưa tới 5% thị trường điện thoại thông minh ở nước này. Để so sánh, thị phần tại Trung Quốc là 18%.
"Ấn Độ ngày nay rất giống với Trung Quốc của 15-20 năm trước", CNBC dẫn lời chuyên gia phân tích cấp cao Angelo Zino tại CFRA Research. Và điều này có thể mang lại cho Apple tiềm năng tăng trưởng doanh thu lớn nhờ thị trường Ấn Độ.
Apple đạt doanh thu 74 tỷ USD tại Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan trong năm tài chính 2022, chiếm 18% tổng doanh thu.
Trong khi đó, doanh thu từ Ấn Độ chỉ được báo cáo trong danh mục "phần còn lại của châu Á - Thái Bình Dương" với 29 tỷ USD cùng năm.
Theo truyền thông Ấn Độ, doanh thu của Apple trong nước vào khoảng 4 tỷ USD trong năm tài chính 2022. Trong khi đó, Bloomberg đưa tin con số này là gần 6 tỷ USD.
Ấn Độ là thị trường lớn nhất mà iPhone chưa thể chiếm lĩnh. Điều này có nghĩa là việc giành được thị trường này sẽ rất quan trọng trong việc tăng trưởng doanh số bán hàng.
Hồi tháng 2, ông Cook cho biết công ty thành công thu hút nhiều người dùng Android mua chiếc iPhone đầu tiên. Theo ông, trong quý cuối năm ngoái, iPhone đã ghi nhận quý bán hàng tốt nhất từ trước tới nay tại Ấn Độ.
Đến nay, điện thoại Android vẫn thống trị thị trường Ấn Độ. Dẫn đầu là Samsung và một số thương hiệu đến từ Trung Quốc. Theo Statcounter, Android chiếm lĩnh tới 95% thị phần trong nước.
Một trong những lý do chính là giá cả. Hầu hết điện thoại thông minh đang được bán ở Ấn Độ đều có giá thấp hơn phiên bản rẻ nhất của dòng iPhone mới nhất.
Một trong các cách xử lý là cho phép khách hàng trả góp hoặc giảm giá đối với những điện thoại cũ. Ông Cook cũng đã đề cập đến các chiến lược này.
Thúc đẩy sản xuất
Phần thứ 2 của chiến lược là sản xuất các sản phẩm của Apple ở Ấn Độ. Và điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ những đối tác sản xuất, chính quyền trung ương và địa phương.
Gần như mọi iPhone đều đang được lắp ráp tại Trung Quốc. Điều này đã gây ra một số vấn đề trong vòng 5 năm qua, bắt đầu từ căng thẳng thương mại và thuế, cho tới những gián đoạn trong chuỗi cung ứng vì đại dịch.
Vào tháng 1, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ cho biết Apple đang sản xuất mẫu iPhone 14 tại nước này, và đã đặt mục tiêu sản xuất 25% sản lượng iPhone ở Ấn Độ. Foxconn - đối tác sản xuất lớn của Apple - cũng đang mở rộng sang Ấn Độ.
Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ cũng chào đón Apple. Tập đoàn được coi như một biểu tượng để thu hút các công ty công nghệ cao khác tới nước này để sản xuất và phát triển.
Trong vòng 20 năm qua, chính quyền các cấp của Trung Quốc đã đẩy mạnh hỗ trợ các nhà máy lớn như nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu, nơi được mệnh danh là thành phố iPhone.
Theo CNBC, Thủ tướng Modi muốn thảo luận về kế hoạch sản xuất của Apple trên khắp Ấn Độ và tạo ra việc làm mới trong ngành sản xuất. Ông cũng muốn biết Apple đang gặp phải những thách thức gì trong việc thu hút người dùng tại đây.
Trên thực tế, Apple đã tính tới việc mở rộng sang Ấn Độ ít nhất là từ năm 2016. Trong một cuộc gặp với ông Modi vào thời điểm đó, ông Cook nói về tiềm năng sản xuất và phát triển thị trường của Apple ở quốc gia này.
"Chúng tôi đã đặt nguồn lực khổng lồ tại đây, và chúng tôi không ở lại trong một quý, hai quý hay một năm. Chúng tôi muốn bám trụ cả 1.000 năm", ông Cook nói với truyền thông địa phương trong chuyến đi hồi năm 2016.