Hai đêm không ngủ và đi bộ 30.000 bước để đến hơn 10 địa điểm trong một ngày đang là xu hướng thịnh hành với giới trẻ ở đất nước tỷ dân.
Trào lưu này được mô tả bằng thuật ngữ “lực lượng du lịch đặc biệt” và nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc. Theo đó, người tham gia sẽ cố gắng chi ít tiền để tiếp cận nhiều điểm đến nhất trong thời gian hạn chế.
Du lịch tốc hành
Vào ngày 24/3, một nữ sinh đang học ở tỉnh An Huy đến Bắc Kinh để thăm bạn bè. Chỉ trong hai ngày cuối tuần, họ đã đến được những nơi như Nanluoguxiang, Tháp Trống, Tử Cấm Thành, Cung Ung Hòa, Di Hòa Viên, công viên Bắc Hải và Thiên Đàn.
Nhằm tiết kiệm thời gian và tiền bạc, cô gái đã ngủ lại trên tàu vào đêm đầu tiên và thức trắng ngày hôm sau để chờ lễ chào cờ tại quảng trường Thiên An Môn.
Những hình ảnh về hành trình của đôi nữ sinh thu hút sự chú ý của dân mạng trên Douyin. Không ít người sống ở Bắc Kinh cho biết họ cũng chưa bao giờ đến nhiều nơi như vậy. Thậm chí, có người còn bình luận: “Đây không phải là du lịch, mà giống như cuộc thi ba môn phối hợp của người sắt”.
Theo Think China, nhiều bạn trẻ cũng có cách làm tương tự với cô gái này khi chọn cách cắt giảm chi phí ăn ở và tối ưu hóa giờ giấc đến mức cực đoan.
Cuối tháng 4/2023, một nữ du khách đến Thâm Quyến đã kể lại trải nghiệm ngủ qua đêm miễn phí trong phòng riêng tại nhà hàng lẩu Haidilao.
Điều này khiến nhiều người xem đặt câu hỏi liệu cô có đang lạm dụng dịch vụ của các cơ sở ăn uống hay không. Trên thực tế, nhiều người trẻ chia sẻ họ cũng dùng cách này không chỉ với Haidilao mà còn có cả McDonald's.
Trong khi đó, một số khác chọn nghỉ ngơi ở những chỗ giá rẻ như nhà tắm công cộng, quán cà phê Internet hoặc ghế cứng trên tàu thay vì giường nằm.
Bên dưới bài đăng, một dân mạng đã kể lại cảnh tượng trên chuyến tàu đêm từ Trịnh Châu đến Tây An, nơi hầu hết hành khách là sinh viên đại học đi chơi cuối tuần.
“Lực lượng du lịch đặc biệt” đã trở thành hiện tượng phổ biến với giới trẻ ở đất nước tỷ dân.
Theo dữ liệu từ ly.com, trong kỳ nghỉ Tết Thanh Minh gần đây, 62% khách du lịch thuộc thế hệ sau những năm 2000 đã sử dụng phương tiện di chuyển qua đêm để đến điểm đến của họ.
30% trong nhóm này đã ghé thăm hơn 4 địa điểm trong một ngày. Những nơi được ưu ái nhất là các thành phố có mật độ du lịch tập trung tương đối cao và giao thông công cộng thuận tiện như Bắc Kinh, Trùng Khánh, Trường Sa, Thượng Hải, Nam Kinh.
Xu hướng này gây ra những luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người chỉ trích việc du lịch hời hợt như vậy là vô nghĩa.
“Nếu nghiêm túc tham quan, riêng Bảo tàng Cố cung sẽ mất vài ngày. Tôi không hiểu những người này đang chơi trò gì, họ chỉ muốn chụp một bức ảnh ở lối vào sao?”, một người bày tỏ.
Nhóm phản đối cũng lưu ý rằng sau khi kiểu đi tour này xuất hiện, lượng khách đổ về các danh lam thắng cảnh và phương tiện giao thông tăng lên đáng kể, ảnh hưởng đến trải nghiệm của những người khác.
Bên cạnh đó, họ cũng không hài lòng với việc ngủ qua đêm tại các nhà hàng và nhà ga vì có thể để lại ấn tượng xấu.
Tiết kiệm chi phí
Tuy nhiên, một số khác cho rằng mọi người không nên quá khắt khe với cách lựa chọn giải trí của các bạn trẻ.
Nữ sinh đến Bắc Kinh đã đề cập ở trên cũng bác bỏ những lời chỉ trích về việc du lịch hời hợt của mình trong một cuộc phỏng vấn với Ran News.
“Mặc dù chuyến đi rất gấp rút, chúng tôi vẫn nghiên cứu và hiểu được tầm quan trọng của từng điểm tham quan. Họ thấy oải nhưng tôi và bạn bè thì không, bởi niềm vui được ra ngoài và ngắm nhìn thế giới đã đánh tan sự mệt mỏi”, cô chia sẻ.
Nắm bắt thị hiếu trên, một vài địa phương còn tung ra các gói du lịch để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ. Chẳng hạn, tỉnh Sơn Đông đã đẩy mạnh gói tour đường sắt cao tốc Qilu với giá 399 nhân dân tệ (58 USD), bao gồm các tuyến kết nối danh lam thắng cảnh như suối Baotu, núi Tai, đền Khổng Tử ở Qufu và bãi biển ở Thanh Đảo.
Gần đây, Truy Bác cũng vừa khai trương một chuyến tàu cao tốc chuyên dụng phục vụ cho khách du lịch đi từ Tế Nam đến đây chỉ trong 40 phút để thưởng thức món thịt nướng đặc sản của thành phố.
Giới trẻ đi du lịch với ngân sách eo hẹp là điều phổ biến, trong khi các tour lữ hành giá cả phải chăng với hành trình dày đặc cũng là một tiêu chuẩn trong ngành “công nghiệp không khói”.
Ngày nay, nhóm nhân khẩu học này phải phụ thuộc rất nhiều vào mạng xã hội để biết thông tin liên quan đến các địa điểm nổi tiếng.
Nhiều thanh niên chỉ ghé thăm những nơi này sau khi xem ảnh của ai đó. Họ chụp hình và chia sẻ chúng lên trang cá nhân, thúc đẩy mọi người làm điều tương tự.
Tuy nhiên, điều đó có thể dẫn đến việc du khách chỉ quan tâm đến khoe khoang thay vì thực sự trải nghiệm chuyến đi.
Người trẻ Trung Quốc cũng gặp áp lực về thời gian khi so sánh với những người đồng trang lứa ở các nước phát triển.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy vào tháng 2 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đạt 5,6%, trong đó độ tuổi 16-24 chiếm 18,1%.
Zeng Xiangquan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Việc làm, nói với tạp chí Caijing rằng vấn đề về cấu trúc cung và cầu của thị trường lao động vẫn chưa được giải quyết.
Giới trẻ rất khao khát được đi du lịch nhưng lại thiếu thời gian và tiền bạc. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thấy họ vượt qua các giới hạn để trở thành những du khách tốc hành.
Hiện tượng này cũng phản ánh tình trạng của xã hội Trung Quốc sau đại dịch, dưới áp lực kinh tế to lớn, ngay cả khi mọi người sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn thì họ vẫn có thể bị tụt lại phía sau.