“Khi cảm thấy buồn và cô đơn, tôi biết phải làm gì. Tôi sẽ ra khỏi nhà, tìm một chút âm nhạc và lắc lư theo nó”, giai điệu được phát hành vào năm 1984 của International Music System có tên Dancing Therapy khiến Romano Santos, cây viết của VICE, chú ý.
Trước những áp lực gia tăng trong cuộc sống hiện tại, ngày càng nhiều người tìm đến quán bar, pub để tìm kiếm sự giải thoát.
“Nếu chưa từng trải qua 12 giờ trên sân khấu tối tăm, đông đúc và ướt đẫm mồ hôi, bạn khó có thể tưởng tượng được tại sao mọi người lại như vậy”, Romano nói.
Năng lượng tập thể, sự ẩn danh trong bóng tối và tự do di chuyển là cách các câu lạc bộ tạo nên sức hút với các khách hàng trẻ tuổi. Nhiều người cho rằng đây là giải pháp thư giãn mà họ không thể tìm thấy ở những nơi khác.
Theo Romano, các hộp đêm khiêu vũ đại diện cho cuộc “chạy trốn” khỏi một thế giới bị gò bó bởi năng suất, khả năng cạnh tranh, ngoại hình và tính cá nhân quá mức.
Xả stress từ không gian sôi động
Khi đèn huỳnh quang của các tòa cao ốc văn phòng tắt vào cuối tuần cũng là lúc hệ thống âm thanh, ánh sáng, máy tạo sương mù của một số câu lạc bộ dưới tầng hầm được bật lên.
“Khiêu vũ là một bài tập luyện. Cũng như các hình thức tập thể dục khác, bộ môn này nhắm vào những bộ phận khác nhau của cơ thể, giúp người tham gia giữ thăng bằng, tăng sức phối hợp, đổ mồ hôi và mang lại cảm giác sảng khoái”, Hadrien Aujoulat-Mendez, nhà trị liệu vận động và xoa bóp đến từ Marseille (Pháp), nói với VICE.
Ngoài ra, Aujoulat-Mendez còn xem khiêu vũ là một loại hình nghệ thuật và có những lợi ích không ngờ.
“Chúng ta có xu hướng coi cơ thể như một cỗ máy để sử dụng và khai thác triệt để. Sự chuyển động người nhảy thông qua nền nhạc cũng được xem như hành động nổi loạn chống lại xã hội công nghiệp. Bạn có thể trò chuyện với chính mình, người khác thông qua những bước nhảy, biểu cảm và nhịp điệu”, anh nói.
Khung giờ nhộn nhịp nhất ở các quán bar, câu lạc bộ là từ nửa đêm đến rạng sáng. Đây là thời gian đón khách đông nhất, sau khi dân văn phòng hoàn thành một ngày làm việc.
Jason Friedlander, một “ông bầu” của các quán bar ở Manila (Philippines), cho biết anh thích cảm giác hòa vào đám đông tràn đầy năng lượng và chìm đắm trong âm nhạc, ánh sáng. Đó là điều khó có thể nhìn thấy trong 2 năm đại dịch bùng phát.
Đối với Friedlander, khi bước vào bên trong một hộp đêm, mọi sự khác biệt về địa vị bị xóa nhòa.
“Trên sân khấu, các hệ thống phân cấp kinh tế xã hội được san bằng và mọi người đều trở nên bình đẳng trước những giai điệu. Không giống như các cộng đồng khác được nuôi dưỡng thông qua thể thao hoặc tôn giáo, sự sùng bái âm nhạc không dựa trên xung đột hay chống đối, nó lấy tính hòa hợp làm nền tảng”.
Chật vật để hồi sinh
Còn với Hideki Ito, DJ ở Pampanga (Philippines), các cơ sở giải trí về đêm là cánh cửa để trải nghiệm và tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau.
“Nó thể hiện những lợi ích trực quan và rõ ràng nhất trên sân khấu”, anh chia sẻ.
Sau đại dịch, các dịch vụ giải trí, quán bar, nhà hàng trên khắp thế giới khá chật vật để tìm cách hồi sinh cuộc sống về đêm. Tại Manila (Philippines), những bữa tiệc đường phố, quán bar, câu lạc bộ đêm đều phải đóng cửa.
Mặc dù đã được mở cửa trở lại, tình hình kinh doanh vẫn chưa thể hồi phục như trước. Hơn 2 năm hạn chế di chuyển đã làm thay đổi thói quen đi chơi đêm của người dân.
Điều này diễn ra tương tự với con phố Itaewon ở Hàn Quốc, ngoài việc bị “đóng băng” hoạt động, nhiều chủ hàng quán phải chịu cảnh phá sản. Địa điểm vui chơi này còn bị gắn với cụm từ "ổ dịch", "cụm dịch" với lý do là nơi làm phát tán, lây lan mầm bệnh.
Tuy nhiên, ngành giải trí về đêm ở khu phố Tây của Seoul sẽ tiếp tục bị lu mờ và chưa có khả năng sống dậy sau thảm họa giẫm đạp khiến hàng trăm người thiệt mạng vào cuối tháng 10/2022.
Tình hình của các câu lạc bộ ở New York (Mỹ) có vẻ khả quan hơn. Hiện tại, khi dạo các ngõ ngách ở đây, mọi người có thể cảm nhận thành phố vẫn còn tổn thương nhưng tràn đầy hy vọng.
Đời sống văn hóa tại “quả táo lớn” của xứ cờ hoa đang dần thức tỉnh khỏi sự uể oải khi hàng loạt quán bar lớn như Nebula, House of Yes và các buổi biểu diễn hòa nhạc bắt đầu hoạt động trở lại.
Khi Park Avenue Armory, tụ điểm giải trí ở khu Upper East Side của quận Manhattan, khai trương “câu lạc bộ khiêu vũ giãn cách xã hội”, vé tham gia nhanh chóng được bán hết. Điều đó minh chứng cho nhu cầu trải nghiệm văn hóa trực tiếp đang bị dồn nén.
Ngoài ra, sự gia tăng của các câu lạc bộ tư nhân đã phản ánh tình trạng sau dịch bệnh trong tầng lớp khu thượng lưu ở “thành phố không ngủ”: cuộc sống đắt đỏ hơn, đồng thời cũng phân tầng và khó tiếp cận hơn.
Vì thế, dù Manhattan có thể vẫn là tâm điểm của tài chính và truyền thông, năng lượng của đời sống về đêm đang dần chuyển sang nơi khác - Miami, Berlin, Las Vegas, thậm chí là Scottsdale, Ariz.