Sau vài buổi học tại lớp nấu ăn, Diệu Anh (24 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) làm thành thạo món thịt kho. Cô vẫn gặp khó khi tự làm nước hàng (nước màu) từ đường, song khá tự hào khi món ăn của mình đã có hương vị đậm đà, gần giống với mẹ nấu.
Trước đây, Diệu Anh chưa từng nghĩ mình sẽ đi học nấu nướng. Cô cho rằng những món cơ bản như cá kho, canh sườn… đều có công thức trên mạng, chỉ cần làm theo. Ngoài ra, các ứng dụng giao hàng ngày càng tiện lợi, cô luôn có thể lấp đầy cơn đói bất kể giờ giấc.
Mọi thứ chỉ thay đổi từ khi nhân viên văn phòng này bị bệnh về dạ dày mà bác sĩ kết luận do thói quen ăn uống không điều độ.
"Suốt thời gian sinh sống cùng gia đình ở quê, tôi hiếm khi vào bếp. Đến khi lên thành phố học đại học, tôi mới mệt mỏi khi bắt đầu đối diện với căn bếp. Nhìn những chai dầu ăn, mắm, muối mẹ chuẩn bị tận tay, tôi hoang mang vì không biết sử dụng như thế nào", cô kể lại với Zing.
Ác mộng nấu ăn
Theo Diệu Anh, suốt 4 năm sinh viên, cô hầu như đều nhờ bạn cùng phòng lo chuyện cơm nước hai bữa một ngày. Đổi lại, cô nhận việc rửa bát và thu dọn nhà cửa. Một số ngày bạn không ở nhà, cô chọn ăn tại hàng, quán chứ không có đủ động lực xắn tay áo vào bếp.
Đến khi tốt nghiệp và đi làm, cô quyết định chuyển ra sống riêng để thoải mái về thời gian và không gian sinh hoạt. Không còn sự hỗ trợ nấu nướng của bạn bè, Diệu Anh buộc phải làm quen với món tủ là mì tôm trứng.
Ngày nào muốn cải thiện bữa ăn, cô đều đến hàng quán hoặc gọi món trên ứng dụng giao hàng.
"Trên app đồ ăn, tôi đã đạt mức thành viên kim cương, từng thử hầu hết quán ăn thuộc bán kính 5 km với nhà mình", Diệu Anh nói.
Cho đến cuối năm 2021, cơn đau bụng ập đến lúc nửa đêm, cô phải vội gọi bạn đưa mình vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ kết luận cô bị viêm dạ dày, chỉ cần chậm điều trị sẽ xảy ra tình trạng xuất huyết.
Tương tự Diệu Anh, trước đây, Thanh Thủy (23 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng không hề có bất kỳ kinh nghiệm nấu nướng. Trứng luộc, rau luộc, thịt luộc là tất cả món ăn mà cô có thể thực hiện.
"Những món đó dễ làm, nhưng tôi không thể ăn đồ luộc mãi được", Thanh Thủy tâm sự.
Không chỉ cảm thấy nhàm chán với những bữa ăn lặp lại mỗi ngày, Thủy còn mong muốn vào bếp trổ tài nấu nướng cho người yêu. Cô thích việc cùng bạn trai vào bếp, làm những món ngon và ăn tối tại nhà.
"Tôi từng tham khảo công thức trên mạng, nhưng thành quả không hề ngon như tưởng tượng. Nhiều lần như vậy, dần dần, tôi càng lười vào bếp", cô tâm sự.
Trong khi đó, Thùy Trang (32 tuổi, Hà Nội) cũng tự nhận mình là "nàng dâu order".
Số lần vào bếp của cô rất hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những bữa cơm hàng ngày thường do mẹ cô chuẩn bị. Nếu vắng mẹ, cô chỉ có thể đặt đồ ăn ngoài cả ba bữa.
"Tôi có thể đứng bán hàng 9 tiếng không mệt, nhưng đứng bếp 3 tiếng đúng là cực hình", cô bộc bạch.
Cô cũng cho biết mình rất sợ cầm dao vì lo rằng không đủ khéo léo, sẽ dễ bị đứt tay. Ngoài ra, cô cũng không biết cách kiểm soát lửa trên bếp nên món ăn lúc sống, lúc cháy, hoặc chín bên ngoài nhưng còn sống bên trong.
Tập nấu từ thịt kho đến mỳ Ý
Sau lần nhập viện và chịu đựng cơn đau đớn kéo dài, Diệu Anh quyết định tham gia một lớp học nấu ăn vào cuối tuần. Điều này đồng nghĩa việc cô dành thời gian nghỉ ngơi duy nhất trong tuần để làm bạn với thực phẩm, gia vị..., tuy nhiên, cô chấp nhận để biết cách tự chăm sóc bản thân.
"Bác sĩ dặn tôi cần ăn uống khoa học và kiểm soát thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Việc tự nấu nướng sẽ giúp tôi làm được điều đó. Tôi rất sợ bệnh tình của mình trở nặng. Khi đau bệnh, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của sức khỏe", cô thở dài.
Trong các buổi học, Diệu Anh được giáo viên hướng dẫn, cho thực hành làm các món ăn cơ bản như thịt, cá, canh rau thường xuất hiện trong mâm cơm gia đình. Cô cho biết không có nhu cầu học món phức tạp, chỉ cần nắm vững các món dân dã như đúng bữa cơm của mẹ.
"Món tủ của tôi là thịt kho. Đây là món ăn mẹ hay làm cho tôi lúc bé nên tôi đã cố gắng học thực hiện đầu tiên", cô hào hứng kể.
Còn với Thanh Thủy, sau một thời gian học lớp nấu ăn, cô lập một tài khoản mạng xã hội để chia sẻ hình ảnh về những món ăn mình tự tay thực hiện. Với 90 bài đăng, tài khoản này nhận về hàng nghìn lượt tương tác và theo dõi. Trước đây, cô không ngờ mình lại có một trang để chia sẻ về ẩm thực như vậy.
Chia sẻ với Zing, Thanh Thủy cho biết ban đầu khi tham gia lớp học nấu ăn, cô rất chán nản và xấu hổ bởi sự vụng về của chính mình. Những buổi học đầu, cô liên tục gặp những sự cố ngoài ý muốn như đứt tay, bỏng, bị dầu ăn bắn vào mắt...
Sau một thời gian dài được giáo viên hướng dẫn tỉ mỉ từ cách cầm dao cho đến mẹo xử lý dầu bắn, cô mới nhận ra khả năng nấu nướng dần được cải thiện. Hiện nay, căn bếp đã trở thành khu vực yêu thích của Thủy trong nhà.
"Tôi không phải food blogger mà chỉ muốn chia sẻ niềm đam mê nấu ăn với mọi người. Tôi cũng bất ngờ khi nhận được nhiều sự ủng hộ như thế. Tôi từng là một người rất vụng về, giờ đây đã biết một chút nấu ăn, tôi chỉ muốn nói rằng ai cũng sẽ làm được như vậy", cô tâm sự.
Nếu như Diệu Anh, Thanh Thuỷ tham gia lớp học cho những bữa cơm gia đình truyền thống, Thùy Trang lại quyết tâm theo đuổi dài hơi hơn khi đăng ký cả khóa học nấu món Việt và món Âu.
Trong khóa học kéo dài 10 buổi với chi phí 3,5 triệu đồng, cô được dạy cách làm các loại sốt và dùng gia vị. Sau khi học lý thuyết, học viên sẽ được thực hành và làm bài thi theo nhóm. Quan trọng hơn, cô nắm được cách sơ chế và chuẩn bị trước khi nấu.
Hiện tại, cô đã có thể làm thành thạo một số món Âu cơ bản như pate và vài loại sốt mỳ Ý. Cô trữ sẵn các loại nước sốt mỳ trong tủ lạnh để tiện chuẩn bị bữa sáng cho gia đình.
"Tôi không chỉ muốn học nấu ăn để nấu nướng trong nhà mà còn muốn hướng dẫn lại cho các con. Nấu nướng là một kỹ năng sống cơ bản, giúp mỗi người chăm sóc bản thân. Thời đại công nghệ phát triển, nhưng việc tự nấu ăn vẫn rất cần thiết với cả nam và nữ", cô bày tỏ.
Lớp nấu ăn cơ bản thu hút học viên
"Ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia lớp học nấu ăn cơ bản. Trong đó, có những em nhỏ từ 12 tuổi đã được bố mẹ cho đi học nấu ăn như một kỹ năng mềm cần thiết" - đó là chia sẻ của anh Lưu Huỳnh Châu, đầu bếp, giảng viên khoa kỹ thuật chế biến món ăn tại một trường dạy nghề tại Hà Nội.
Trao đổi với Zing, anh Châu cho biết học viên của mình mong muốn thành thạo nấu ăn cơ bản nhằm chăm sóc gia đình hoặc bản thân. Các bạn ở độ tuổi 18-25, nhiều người trong số đó là nhân viên văn phòng, đi học vào cuối tuần, sau giờ làm việc.
Đầu bếp Châu đang giảng dạy từ lớp sơ cấp cho đến trình độ cao cấp - chương trình dành cho nhóm học viên làm nghề tại các nhà hàng, khách sạn. Mỗi cấp bậc dạy đều có khó khăn riêng, song đối với anh, lớp sơ cấp đòi hỏi sự hướng dẫn tỉ mỉ hơn cả bởi hầu hết học viên đều như "trang giấy trắng" đối với việc nấu ăn.
"Khi hướng dẫn các bạn, tôi cảm thấy như nhìn thấy hình ảnh của chính mình từ hàng chục năm trước khi mới chập chững vào nghề. Nhiều bạn đến lớp còn rất vụng về trong cả cách cầm dao hoặc chưa phân biệt được các loại rau, thịt, cá...", anh nói.
Theo đó, anh phải dạy các bạn trẻ từ bước lựa chọn thực phẩm. Việc sơ chế, rửa sạch nguyên liệu cũng cần anh phải thực hiện chậm rãi, giúp học viên dễ dàng quan sát và làm theo.
Đến bước chế biến, đầu bếp này phải theo dõi từng người, hướng dẫn cách gia giảm gia vị để có được món ăn gia đình chuẩn vị.
Chia sẻ về kinh phí học, anh Châu cho biết học viên có thể đăng ký học theo món ăn, mỗi món có một mức học phí khác nhau. Đối với các món ăn gia đình như thịt kho, cá kho hoặc rau, canh, chi phí rơi vào khoảng 1-1,5 triệu đồng/ món/học viên.
Mỗi món được học trong một buổi, thời gian tùy thuộc vào thời lượng món ăn được nấu chín. Đối với một số món khó hơn, cần nhiều bí quyết như lẩu, vịt quay..., học viên cần đóng học phí cao hơn và lớp học này chỉ dành cho trình độ từ trung cấp.
Còn theo BMC, người trẻ tại Anh cũng đang đổ xô đến các lớp nấu ăn bởi cho rằng đây là một trong những kỹ năng sinh tồn quan trọng.
60% học viên trong các lớp học nấu ăn tại quốc gia này có độ tuổi từ 25-30. Họ thường đăng ký tham gia khi đọc được bài đăng trên mạng xã hội của các trung tâm dinh dưỡng.
Các khóa học thường được chia thành 3 mức độ: cơ bản, trung bình, nâng cao. Mỗi khóa học kéo dài 5-10 buổi. Những lớp học nấu ăn thường hết chỗ từ 1-2 tuần trước khi khai giảng.