Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là thời điểm khách quốc tế bắt đầu đến Mũi Né, tỉnh Bình Thuận trú đông. Tuy nhiên, năm nay lượng khách trú đông đến địa phương này rất ít, dù trước đó doanh nghiệp du lịch đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút khách quốc tế.
Để đón đầu dòng khách Nga và Đông Âu sang nghỉ dưỡng tránh mùa đông khắc nghiệt, nhiều tháng trước chủ resort Pandanus Mũi Né (TP Phan Thiết) đã đặt Văn phòng kinh doanh tại các nước Đông Âu, đồng thời hợp tác với các hãng lữ hành quốc tế để tìm kiếm khách hàng.
"Thủ phủ resort" vắng khách quốc tế
Tuy nhiên, đến hết tháng 11, công suất phòng của resort Pandanus chỉ chiếm dưới 20%, con số rất ít so với kỳ vọng.
Đang là tháng cao điểm nhưng không có khách quốc tế. Nhiều resort đã đóng cửa, giảm nhân viên để cắt lỗ dù trước đó họ rất kỳ vọng mùa du lịch cuối năm.
Bà Hoài Thu, quản lý một resort ở Mũi Né
“So với tình hình trước dịch năm 2020 thì lượng khách chỉ được 10% thôi, do tình hình suy thoái kinh tế, do chiến tranh ảnh hưởng đến các chuyến bay nên lượng khách đến resort ít”, bà Đỗ Mỹ Hạnh, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị resort Pandanus Mũi Né, cho biết.
Theo bà Hạnh, con số 20% công suất phòng được xem là khá so với tình hình chung của “thủ phủ” resort Mũi Né. “Đang là tháng cao điểm nhưng không có khách quốc tế. Nhiều resort đã đóng cửa, giảm nhân viên để cắt lỗ dù trước đó họ rất kỳ vọng mùa du lịch cuối năm”, bà Hoài Thu, quản lý một resort ở Mũi Né, nói.
Tương tự, ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, dịp này trên các con phố chỉ lác đác vài khách du lịch, chủ yếu là Hàn Quốc, còn khách Đông Âu rất ít.
“Tháng cao điểm đón khách Đông Âu sang tránh đông mà khách sạn mình chỉ đón khách Việt. Toàn bộ chương trình đã lên để đón dòng khách Nga, Đông Âu dịp cuối năm 2022 coi như bỏ. Số nhân viên mới tuyển hồi tháng 9 chúng tôi cũng đang xem xét cắt giảm bớt vì thu không bù chi, buộc phải ‘thắt lưng buộc bụng’ để qua thời điểm khó khăn”, ông An, chủ khách sạn trên đường Trần Phú, TP Nha Trang, buồn bã nói.
Theo các doanh nghiệp, trước dịch dịp cuối năm, những trung tâm du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc (Kiên Giang) đón hàng triệu lượt khách Nga, Đông Âu sang nghỉ dưỡng tránh đông.
“Mùa khách nội địa đã hết, doanh nghiệp chỉ trông chờ khách quốc tế nhưng đến thời điểm này coi như ‘mất trắng’ mùa du lịch. Chúng tôi đang cố gắng quảng bá, liên kết với một số hãng lữ hành đón khách Hàn Quốc, thị trường này dù ít nhưng vẫn còn hơn không có”, ông An mong muốn.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch cho rằng nguyên nhân của tình trạng vắng khách quốc tế trú đông ngoài yếu tố tình hình suy thoái kinh tế, chính trị tại Nga và các nước Đông Âu bất ổn, thì việc khó xin visa, cách làm du lịch không mới cũng là lý do khách không quay lại Mũi Né, Nha Trang.
Làm gì để đón khách quốc tế?
Ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Bình Thuận, cho biết hiện tình hình bên châu Âu rất khó khăn, người dân cũng phải hạn chế chi tiêu.
Tuy nhiên, theo ông Bình, nguyên nhân khách châu Âu, Đông Âu không chọn Việt Nam là điểm đến dịp này không hoàn toàn vì kinh tế khó khăn, dịch bệnh.
Thống kê từ Google cho thấy lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng mạnh dịp cuối năm. Tuy nhiên, theo ông Bình, có nhiều nguyên nhân khách quốc tế vẫn không chọn Việt Nam làm điểm đến.
“Theo tôi, thứ nhất là về dịch vụ, chúng ta phải xem lại vì gần như du lịch Việt Nam ít thay đổi, không có sản phẩm mới. Ngoài ra, giá vé máy bay cũng là hạn chế lớn đối với du khách quốc tế muốn đến nước ta nghỉ dưỡng. Khảo sát cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam đang phải chịu mức giá vé máy bay quá cao so với các trung tâm du lịch khác trong vùng”, ông Bình nói.
Nguyên nhân thứ 2 theo Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Bình Thuận là thủ tục visa.
“Cái này là thực trạng lâu nay, bởi các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… khách nước ngoài dịp này rất đông vì thủ tục visa của họ đã tối giản, du khách làm rất dễ, nhanh gọn, trong khi chúng ta lại phức tạp, mất rất nhiều thời gian. Tôi cho rằng đây một trong nhiều nguyên nhân chính dẫn đến du khách quốc tế hạn chế đến với Việt Nam”, ông Bình phân tích.
Tương tự, theo Sở Du lịch Khánh Hòa, dù là dịp cao điểm đón khách Đông Âu, Nha Trang gần như vắng dòng khách này, thay vào đó là khách Hàn Quốc.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, khách Hàn Quốc đang là dòng khách chủ lực của ngành du lịch địa phương dịp cuối năm.
Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, Khánh Hòa đã đón khoảng gần 110.000 lượt du khách Hàn Quốc. Hiện, trung bình mỗi tuần có 37 chuyến bay từ Seoul, Busan (Hàn Quốc) đến sân bay quốc tế Cam Ranh. Trong đó, Vietjet Air là hãng hàng không có lượng chuyến bay nhiều nhất (21 chuyến/tuần); còn lại là chuyến bay của các hãng hàng không Hàn Quốc (Air Seoul, Air Busan và Jeju Air).
Từ ngày 30/11, Vietnam Airlines sẽ chính thức khai thác trở lại chặng bay Cam Ranh - Incheon (Hàn Quốc) với tần suất 7 chuyến/tuần.
“Chúng ta phải nhìn nhận thực tế dòng khách châu Âu, Đông Âu hay Nga dịp này và cả quý I/2023 sẽ rất ít. Do vậy ngành du lịch Khánh Hòa đã tính phương án thúc đẩy quảng bá thị trường khách Hàn Quốc, đồng thời mở rộng thị trường sang Ấn Độ để thu hút khách”, bà Thanh cho biết.
Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cũng cho biết chắc chắn những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nga, Đông Âu, châu Âu vẫn không thể bỏ qua.
“Khách các thị trường này hiện chưa có hoặc rất ít có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhưng ngành du lịch Nha Trang - Khánh Hòa vẫn xác định sẽ nổ lực xúc tiến, kéo khách ở các thị trường truyền thống này vào thời điểm không có các ‘rào cản’ như hiện tại”, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa nói.