Tuy nhiên, sau 9 vòng phỏng vấn, Samaraweera (32 tuổi) vẫn không được nhận vào làm việc, theo CNBC.
"Tôi rất thích các cuộc thảo luận nhưng quá trình này lại quá mệt mỏi và không có gì rõ ràng cả. Ngay trong cuộc gọi đầu tiên, đáng ra nhân sự công ty phải thông báo về quy trình tuyển dụng phức tạp này", cô nói.
Sự thất vọng của Samaraweera trong quá trình tìm kiếm việc làm không phải là trường hợp cá biệt.
Các chuyên gia đã nhận thấy "sự gia tăng đáng kể" về số lượng người tìm việc phải đối mặt với quá trình phỏng vấn kéo dài trong năm qua.
Steven Leitch, huấn luyện viên nghề nghiệp và chuyên gia về sơ yếu lý lịch, cho biết: "Đây dường như là một xu hướng đang phát triển trong các ngành, với những ứng viên phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn và kiểm tra nghiêm ngặt hơn bao giờ hết".
Theo báo cáo vào tháng 6 từ AMS, công ty cung cấp giải pháp về lực lượng lao động, thời gian xem xét việc thuê một nhân viên mới của các doanh nghiệp trong năm nay đạt "mức cao nhất mọi thời đại".
Báo cáo cho thấy thời gian tuyển dụng trung bình trong quý đầu tiên của năm 2023 đã tăng lên trong mọi ngành, đẩy quy trình tuyển dụng lên trung bình 44 ngày.
Jim Sykes, Giám đốc điều hành toàn cầu về hoạt động khách hàng của AMS, cho biết: "Như dữ liệu của chúng tôi chứng minh, thời gian tuyển dụng đã tăng liên tục trong 4 năm qua. Quy trình này sẽ không thể dễ dàng hơn trong thời gian tới".
Cạnh tranh khốc liệt hơn
Mặc dù "không có công thức cụ thể" cho số lượng vòng phỏng vấn có thể chấp nhận được, nhưng phần đông cho rằng 3-5 vòng là hợp lý với các vị trí không phải quản lý.
Leitch cho biết: "Điều này cho phép các công ty đánh giá ứng viên từ những quan điểm khác nhau, trong khi vẫn tôn trọng thời gian của ứng viên và duy trì quy trình tuyển dụng hiệu quả".
Tuy nhiên, hiện tượng các cuộc phỏng vấn ngày càng kéo dài phản ánh bản chất cạnh tranh khốc liệt của thị trường việc làm hiện tại.
"Với sự gia tăng của hình thức làm việc từ xa và nguồn nhân tài ngày càng lớn mà các công ty có thể tiếp cận, họ ngày càng thận trọng và muốn đánh giá các ứng viên một cách kỹ lưỡng".
Richard Lambert, chuyên gia về sơ yếu lý lịch và nơi làm việc, cho biết sự bất ổn về kinh tế cũng tạo ra bầu không khí lo lắng cho các công ty, đặc biệt là với việc tuyển dụng.
"Tuyển dụng, nhận việc và đào tạo là một quá trình tốn kém và các công ty muốn chắc chắn rằng họ có được ứng viên phù hợp ngay từ đầu".
Ông nói thêm rằng các công ty có thể đang áp dụng quy trình phỏng vấn dài để "loại bỏ sự thiên vị" và tạo ra một môi trường tuyển dụng công bằng hơn.
Dấu hiệu của "red flag"
Amy Zimmerman, Giám đốc nhân sự của Relay Payments, cho biết đôi khi các cuộc phỏng vấn kéo dài là dấu hiệu "red flag" vì nó thể hiện rằng người tuyển dụng đang không biết mình muốn gì.
"Những công ty này tạo ra quy trình lằng nhằng với các bước được thêm vào rất tùy tiện. Đó là trải nghiệm tồi tệ với nhiều ứng viên", Zimmerman giải thích.
Samaraweera cho biết cô đã không nhận được phản hồi từ công ty mà mình phỏng vấn trong hơn một tháng.
"Cuối cùng họ gửi email nói rằng công ty đang tạm dừng tuyển dụng do những thay đổi nội bộ".
Lúc này, Samaraweera nhận ra cô đã chọn sai công ty để ứng tuyển.
Monica Revuelta, nhà quản lý dự án gần đây đã trải qua 5 vòng phỏng vấn trong hơn 4 tháng, cho rằng các cuộc phỏng vấn kéo dài sẽ trở thành vấn đề khi các công ty không phản hồi hoặc minh bạch về quy trình.
"Trong quá trình phỏng vấn ứng viên, công ty cũng đang thể hiện văn hóa, giá trị của chính họ".
Các công ty cần lưu ý rằng quy trình tuyển dụng kéo dài cũng có thể phản tác dụng.
"Các thủ tục tuyển dụng kéo dài khiến ứng viên thất vọng, không muốn gắn bó hoặc thậm chí rút lui sớm. Điều này có thể dẫn đến việc mất đi tài năng hàng đầu, những người có thể nhận được lời mời từ các công ty khác trong khi trải qua 9-10 vòng phỏng vấn", Leitch cho biết.