Nhiều người luôn nghĩ rằng mình không đủ thông minh để hoàn thành công việc, thậm chí không xứng đáng với bạn bè hoặc gia đình.
Nanki Luthra, nhà đồng sáng lập Công ty tư vấn sức khỏe tâm thần Blueberg, gọi đó là "hội chứng kẻ mạo danh".
Cô cho biết vấn đề tâm lý này xuất hiện khi các cá nhân nghi ngờ kỹ năng, tài năng hoặc thành tích của mình. Họ nghĩ rằng bản thân chỉ gặp may mắn hoặc gian lận khi đạt được bất cứ thành tựu nào trong lĩnh vực, chuyên môn.
Theo South China Morning Post, hội chứng này có thể gặp ở bất kỳ ai với mọi độ tuổi và vị trí xã hội.
Nguyên nhân
Luthra giải thích một số yếu tố có thể dẫn đến xu hướng tâm lý này.
Theo đó, nó có thể đến từ sự nuôi dạy của gia đình, sự kỳ vọng của xã hội hoặc con người phải thường xuyên ở chung môi trường với những người coi thường họ.
Ngoài ra, đặc điểm tính cách cũng được cho là lý do bạn dễ rơi vào vòng luẩn quẩn của "hội chứng kẻ mạo danh". Nhóm người được cho rằng dễ mắc hội chứng này nhất chính là những người có tính cách cầu toàn và sống theo chủ nghĩa hoàn hảo.
"Họ luôn kỳ vọng rất nhiều vào bản thân, khao khát đạt được thành tích ngay lần đầu tiên làm điều gì đó. Những người thích sự hoàn hảo luôn đặt ra cho mình các mục tiêu có phần phi thực tế khó có thể đạt được.
Cho dù có nhận được nhiều lời khen hay nhận xét tích cực, họ vẫn có cảm giác rằng họ phải làm tốt hơn và luôn luôn tập trung vào những sai sót của mình", cô lý giải.
Rất nhiều sinh viên, dân văn phòng ngày nay lao vào làm việc tới kiệt sức, nhưng vẫn vật lộn với sự tự ti. Luthra nói đây là một hiện tượng mà lòng tự trọng và ý thức về giá trị bản thân của họ bị đẩy xuống rất thấp.
"Hội chứng kẻ mạo danh" xuất hiện ở nhà, nơi làm việc và ngày càng tăng trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Đây là môi trường được đánh giá là nguyên nhân làm gia tăng những suy nghĩ tiêu cực. Người dùng mạng ngày nay thường tự so sánh mình với những người khác trên nền tảng. Việc luôn luôn bắt gặp những hình ảnh đẹp nhất trong cuộc sống của những người xung quanh mình khiến họ luôn tự ti về bản thân mình.
Đối mặt
Để giải quyết những triệu chứng tâm lý trên, Luthra khuyên bạn cần tránh đặt những thành tích của mình lên bàn cân với những người khác.
"Bạn tốt nhất chỉ nên so sánh mình của ngày hôm nay so với hôm qua để xem bản thân đã bản thân đã phát triển như thế nào. Hãy nhớ rằng những bức ảnh trên mạng không phản ánh hoàn toàn những gì mà người khác trải qua trong cuộc sống", cô nói.
Bên cạnh đó, hãy tập cách xây dựng những mục tiêu nhỏ, theo từng giai đoạn. Bạn nên kiên nhẫn và tránh mất lòng tin vào quá trình phát triển của bản thân.
Luthra cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gặp bác sĩ trị liệu hoặc chuyên gia tư vấn.
Trong trường hợp bạn không có thời gian để chẩn đoán vấn đề sức khỏe tâm thần của mình, bạn có thể nói chuyện với ai đó về cảm giác hiện tại và học cách phát triển lối suy nghĩ lành mạnh hơn.
Hiệp hội Tâm lý học Mỹ mô tả “hội chứng kẻ mạo danh” là khi những cá nhân có thành tích cao tin rằng họ là những kẻ dối trá và sẽ luôn luôn là người cuối cùng được chọn. Họ cũng có niềm tin rằng sẽ sớm thất bại và tự cho mình không đủ năng lực trong tương lai.
Dựa trên một đánh giá có hệ thống về “hội chứng kẻ mạo danh” được công bố trong Thư viện Y khoa Mỹ vào năm 2019, tỷ lệ hiện mắc vấn đề tâm lý này dao động từ 9 đến 82% tùy thuộc vào công cụ sàng lọc được sử dụng để đánh giá các triệu chứng trong các nghiên cứu.
Hội chứng này càng ngày càng trở nên phổ biến trong thời đại ngày nay. Ngay cả những ngôi sao lớn như Emma Watson cũng từng chia sẻ về những nỗi lo của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn với Rookie Magazine vào năm 2013, cô từng trả lời: "Càng nổi tiếng, tôi lại càng có cảm giác bất an, những lời chê bai khiến tôi luôn nghi ngờ bản thân mình...Tôi chỉ biết làm việc không ngừng nghỉ để quên đi những cảm xúc ấy. Tôi lo sợ rằng khán giả sẽ phê phán rằng tôi chỉ tỏ ra là một diễn viên giỏi nhưng thực tế lại không có thực lực", Emma nói.