Ba năm trước, Vũ Anh Tuấn, một kỹ sư nông nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm tổ chức sản xuất ở các trang trại quy mô lớn đã tình nguyện lên nông trường WinEco Đà Loan, thuộc xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, để làm việc theo hợp đồng lao động dài hạn.
"Cái giá" để Tuấn chịu bỏ phố lên rừng, quanh năm tất bật với rau củ quả, xa hẳn đời sống phố thị sôi động, xa cả vợ con, là một mức lương hấp dẫn và những trải nghiệm mới mẻ trong công việc.
CUỘC CHƠI TẤT TAY CỦA NHIỀU ĐẠI GIA
Nhiệm vụ của Tuấn khá nặng, đó là quản lý, phát triển trang trại rộng hơn 240 ha với hơn 100 nhà màng, nằm ở độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển tại vùng đồi núi hẻo lánh. Với mục tiêu cung cấp sản lượng lớn những loại rau, củ, quả trái mùa cho các thị trường miền Bắc, miền Nam nên trang trại Đà Loan được trang bị những công nghệ tưới tiêu, chăm sóc rất hiện đại.
Tuấn cho biết mỗi năm trang trại này đạt sản lượng khoảng 3.800 tấn cho tới 4.200 tấn các loại rau, củ quả chất lượng cao. Những sản phẩm này bán chạy như “tôm tươi” và thường không đủ cung ứng cho hệ thống.
“Giai đoạn này trang trại đã cơ bản ổn định và đang phát triển đúng hướng nhưng trước đây thì khó khăn, chúng tôi cũng rút ra được nhiều bài học đắt giá. Vùng này ít bão gió, thời tiết không quá khắc nghiệt nên việc canh tác nhiều loại rau, củ, quả khá thuận, nhìn chung mọi người đều phấn khởi”, kỹ sư trưởng, Giám đốc của trang trại Đà Loan cho biết.
Theo kế hoạch, Tuấn cùng các cộng sự sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng các công nghệ mới để canh tác hết toàn bộ 240 ha diện tích được giao. Nông trường Đà Loan hiện cũng đang thuê cố định gần 200 nông dân quanh vùng.
Bà Bùi Thị Hạnh, một công nhân “gạo cội” tại đây kể rằng mỗi ngày bà làm khoảng 8 tiếng trong nhà màng, công việc không quá vất vì đã được máy móc, phương tiện cơ giới hỗ trợ phần lớn. “Làm nông dân trong trang trại công nghệ cao, mưa không tới mặt, lương tháng ổn định, cộng với việc thu hoạch từ cây trái, nuôi trồng ở vườn nhà, tôi thấy đỡ bấp bênh hơn”.
Đà Loan chỉ là 1 trong 14 trang trại của WinEco trên cả nước, tổng diện tích của 14 trang trại khoảng gần 3.000 ha và cơ bản đã đưa vào sản xuất, canh tác hết. Mỗi ngày, 14 nông trường cùng hệ thống hợp tác xã liên kết của doanh của doanh nghiệp này đã cung ứng ra hệ thống khoảng 100 đến 120 tấn rau củ, quả…
Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan, mục tiêu phát triển nông nghiệp không chỉ bó hẹp trong phạm vi phục vụ thị trường 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam mà doanh nghiệp này còn hướng tới xuất khẩu. Ông Quang cho biết, doanh nghiệp của ông đang gần như dốc toàn tâm sức, “tất tay” vào nông nghiệp.
Hiện, những mô hình nông nghiệp chất lượng cao đang được nhiều doanh nghiệp lớn như Masan, Vinamilk, Nafoods, TH True milk, Dabaco Việt Nam, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông, Hoàng Anh Gia Lai… triển khai, nhân rộng ở hầu khắp các tỉnh thành.
HÀNG TRIỆU NÔNG DÂN CHƯA DÁM MẠO HIỂM
Tuy nhiên, để chiếm lĩnh toàn bộ thị trường rau, quả trong nước sau đó đưa sản phẩm nông sản vươn sang nước ngoài một cách quy mô, bài bản hơn, đem về nhiều ngoại tệ từ nông nghiệp sạch, thì không chỉ trông chờ vào một vài doanh nghiệp lớn mà cần hàng chục triệu nông dân cũng như hàng chục ngàn hợp tác xã trên khắp các tỉnh thành “vào cuộc”.
Tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 27.000 hợp tác xã nhưng chỉ có 2.200 ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất. Bên cạnh đó, còn hàng triệu nông dân vẫn đang loay hoay với bài toán chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp chất lượng cao, sạch.
Việc đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao với những doanh nghiệp có nền tảng tài chính mạnh, cũng đã là một thử thách mạo hiểm. Bởi việc đổ tiền vào đất đai, nhà kính, công nghệ… chưa đảm bảo thành công ngay nếu thiếu nhân sự, kinh nghiệm và hệ thống phân phối đủ mạnh.
Một số doanh nghiệp không trụ nổi vì tiền đầu tư cho trang trại rất lớn trong khi đó nguồn thu chậm, bấp bênh nên đã phải “bỏ của chạy lấy người”. Vì những lý do trên nên “cuộc chơi” nông nghiệp công nghệ cao với nông dân còn khó khăn, thách thức hơn gấp bội nếu họ không nhận được những chính sách hỗ trợ đủ mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hoa ở phường 5, thành phố Đà Lạt, hiện đang là chủ của 1,4 ha đất đang trồng hoa cây cảnh các loại cho biết, ứng dụng công nghệ của Israel trong sản xuất nông nghiệp thì rất nhàn, cây trồng cũng phát triển tốt.
Nhưng để nâng tầm được công nghệ, chuyển đổi dần dần, từ trồng dưới đất chuyển lên trồng cây hàng loạt bằng chậu, gia đình bà phải vay khoảng 400 – 600 triệu đồng. Khoản tiền này chưa thấm vào đâu khi đầu tư công nghệ tưới tiêu, chăm sóc của Isarel. Số tiền “kỷ lục” mà gia đình bà đã vay để đổ vào trang trại là 2,7 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.
Tất nhiên, với khoản tiền tỷ này không phải hộ nông dân nào cũng vay được, thậm chí với cả hợp tác xã nếu không biết trình bày dự án, không chứng minh về khả năng thành công thì cũng khó lòng được ngân hàng chấp thuận giải ngân.
RÀO CẢN KHIẾN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO CHƯA... "CẤT CÁNH"
Bà Hoa cho biết đầu tư tiền tỷ nên lo lắm, từ bão gió, mưa lũ, bệnh dịch, thời tiết… chỉ cần một yếu tố bất lợi thì ngay lập tức nông dân đứng trước nguy cơ thất thu. Chỉ cần mất mùa 1, 2 vụ thì coi như cả năm “xôi hỏng bỏng không”.
Hiện nay, mặc dù nông nghiệp công nghệ cao được nhận định là có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng hiện các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đủ mạnh, đặc biệt là việc hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi.
Theo đại diện Agribank, hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn chung chung, chưa quy định rõ cơ quan nào xác nhận các tiêu chí của dự án, nên ngân hàng thương mại thiếu căn cứ để xác định cho vay.
Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp thường có rủi ro lớn nhưng thị trường bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp tham gia còn hạn chế, sản phẩm bảo hiểm còn đơn điệu…Những điều này làm cản trở sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.
Để góp phần cung ứng vốn kịp thời, đầy đủ, khuyến khích phát triển nông nghiệp cao, cho nền nông nghiệp Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế, nông nghiệp nhận định, Chính phủ cần hoàn thiện các tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hoàn thiện chính sách xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao…
Nhà nước cần sớm ban hành quy định đối với việc thực hiện hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, trong đó, nêu rõ chế tài đối với các bên tham gia nhằm hạn chế những rủi ro và bảo đảm sự bền vững trong liên kết chuỗi giá trị nông sản.
Cùng với đó là các quy định về bảo hiểm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhằm hạn chế những tổn thất, rủi ro, có chính sách khuyến khích phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp.