Bloomberg đưa tin theo nhóm kinh tế của Goldman Sachs - dẫn đầu là chuyên gia Jan Hatzius, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức trung bình dưới 3%/năm trong thập kỷ tới, giảm từ 3,6% vào giai đoạn trước cuộc khủng hoảng tài chính, và lao dốc dần kể từ đó.
Nguyên nhân nằm ở tốc độ tăng trưởng của lực lượng lao động chậm lại.
Các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục phát triển bắt kịp những quốc gia công nghiệp như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia và Đức, dẫn đầu nhóm các nền kinh tế lớn nhất (tính bằng đồng USD). Nigeria, Pakistan và Ai Cập cũng nằm trong số đó.
Mỹ khó có thể lặp lại tốc độ phát triển tương đối mạnh mẽ của thập kỷ trước. Sức mạnh của đồng bạc xanh cũng giảm dần trong 10 năm tới.
Bất bình đẳng thu nhập giữa các nước sẽ giảm, nhưng có thể gia tăng trong chính mỗi quốc gia.
Các nhà kinh tế Kevin Daly và Tadas Gedminas coi chủ nghĩa bảo hộ và biến đổi khí hậu là những rủi ro “rất lớn” đối với tăng trưởng và bình đẳng thu nhập.
Theo nhóm phân tích, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại với lý do nhân khẩu học. Tăng trưởng dân số thế giới đã giảm một nửa trong vòng 50 năm qua.
Tăng trưởng dân số chậm lại tốt cho môi trường, nhưng sẽ tạo ra thách thức đối với nền kinh tế. Gánh nặng chi phí y tế tại một số quốc gia có thể phình to vì dân số già.