Phát biểu tại Đại hội thành lập chi hội Viên nén gỗ Việt Nam do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức chiều 28/10/2022, tại Quảng Ninh, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết viên nén gỗ, chủ yếu được làm từ phụ phẩm của ngành lâm nghiệp như cành, ngọn, bìa bắp, vỏ bào, mùn cưa, gỗ vụn. Trong thời gian qua, việc sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ không ngừng phát triển cả về quy mô, lẫn chất lượng.
Nhu cầu viên nén gỗ đang tăng cao
Theo ông Nghĩa, hiện cả nước, có khoảng 80 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu viên nén gỗ.
Trong những năm vừa qua, giá trị xuất khẩu viên nén gỗ liên tục tăng từ 165 triệu USD vào năm 2017 lên 413 triệu USD năm 2021 và khoảng 568 triệu USD. Trong 10 tháng năm 2022, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu viên nén gỗ tăng vọt là do Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh sử dụng viên nén gỗ để sản xuất điện thay cho dầu đang tăng giá do cuộc xung đột Nga –Ukraine.
Ông Nghĩa cho biết theo thống kê, hàng năm cả nước có khoảng 20 triệu m 3 củi, cành nhánh và vỏ bào, mùn cưa... Với lượng nguyên liệu như vậy thì việc sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ mặc dù tăng cao trong thời gian vừa qua nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của ngành.
"Lĩnh vực sản xuất viên nén có những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: chưa có tiêu chuẩn hướng dẫn sản xuất, quy định về chất lượng sản phẩm; nguồn nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng bộ, chất lượng kém, khiến xuất khẩu viên nén chưa thể phát triển bền vững".
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.
Nhà nước chưa có chính sách riêng biệt hỗ trợ hoạt động sản xuất và xuất khẩu viên nén gỗ nên chưa khai thác được hết tiềm năng của ngành sản xuất viên nén gỗ. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến viên nén gỗ, chưa có tiếng nói chung trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng cạnh tranh mua nguyên liệu, mạnh ai lấy làm trong xuất khẩu.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định ngành viên nén đang phát triển rất nóng. Năm 2022, viên nén đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu trong 8 mặt hàng xuất khẩu của gỗ và lâm sản, chỉ đứng sau đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ nguyên liệu (bao gồm cả gỗ dán), dăm gỗ. Là sản phẩm nằm trong chuỗi rừng trồng, nên viên nén có ý nghĩa rất lớn trong nâng cao giá trị cho trồng rừng ở Việt Nam.
Theo ông Lập, Xung đột Nga – Ukraine vẫn căng thẳng, xứ lạnh châu Âu (EU) đang bước vào mùa đông cần chất đốt để sưởi, bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản - nơi chiếm hơn 90% lượng xuất khẩu truyền thống mặt hàng viên nén gỗ của Việt Nam cũng tăng, vì vậy xuất khẩu viên nén đang rất thuận lợi.
"Việt Nam không phải là quốc gia cung cấp viên gỗ nén lớn cho các nước EU, nhưng nhu cầu và giá viên gỗ nén tại thị trường quốc tế tăng cao tạo cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu", ông Lập nhận định.
Trong khi đó, viên nén gỗ là một trong những sản phẩm khí đốt mà các nước châu Âu đang tích trữ cho mùa đông này do lượng khí đốt do Nga cung cấp cho thị trường này đã giảm đáng kể.
Theo báo cáo được công bố đầu tháng 10/2022 bởi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), xuất khẩu khí đốt từ Nga sang EU đã giảm gần 50% so với cùng kỳ 2021. Giá viên nén gỗ hiện nay đã tăng gần gấp đôi lên 200 euro một tấn tại Việt Nam, mức tăng rất cao so với dưới 100 USD/tấn hồi đầu năm.
Tăng trưởng "nóng", nguy cơ thiếu nguyên liệu
Ông Lập dự báo, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ sinh khối trong cả năm 2022 có thể đạt khoảng 700 triệu USD và trong tương lai gần, xuất khẩu viên nén gỗ có tiềm năng lọt vào nhóm mặt hàng nông, lâm sản có giá trị xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, vấn đề lo ngại hiện nay đối với các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, theo ông Lập là tình trạng nông dân khai thác gỗ sớm sẽ dẫn đến thiếu nguyên liệu. Hiện nay, chu kỳ trồng keo đang ngắn hơn và mật độ cũng dày hơn. Sự thiếu kinh nghiệm cũng thể hiện rõ ở nhiều doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ. Nguyên liệu đầu vào đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của ngành viên nén gỗ.
“Trong chuỗi phát triển lâm sản, sự phát triển nóng của bất cứ mặt hàng nào cũng tạo ra sự bất ổn, sự xung đột về nguyên liệu giữa các ngành hàng trong lâm sản. Vì vậy, cần giải quyết bài toán về quy mô phát triển nóng của ngành viên nén và nhiều vấn đề khác”.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
"Việt Nam có trên 300 cơ sở sản xuất viên nén gỗ, nhưng để tận dụng nguồn nguyên liệu, khoảng 70-80% tập trung ở các tỉnh phía Nam và Nam miền Trung, nơi có các trung tâm chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất “dần trở nên phổ biến” khi ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu", ông Lập cảnh báo.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng giám đốc Công ty CP Năng Lượng sinh học Phú Tài, Trưởng Ban Vận động thành lập Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam cho biết tại COP 26, Chính phủ các nước đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm cả việc thay thế các nguồn nguyên liệu hóa thạch bằng các nguồn nguyên liệu sinh học như viên nén trong tương lai. Tại Việt Nam, viên nén cũng trở thành một mặt hàng quan trọng giúp ngành gỗ đi đầu, góp phần thực hiện mục tiêu COP 26 của Việt Nam. Điều này dẫn đến cầu viên nén ngày càng tăng trong thời gian tới.
Theo ông Phong, nguồn nguyên liệu sản xuất viên nén hiện nay chủ yếu là các phụ phẩm của ngành gỗ, nên việc gia tăng sản xuất mặt hàng này giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ tạo ra, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, tạo giá trị gia tăng quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu.