Tăng lãi suất - xu hướng chủ đạo trên thế giới
Không nằm ngoài dự báo, kết thúc cuộc họp ngày 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Mặc dù thừa nhận mức tăng không bình thường và cao hơn dự tính trước đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn nói có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,5-0,75 điểm phần trăm vào tháng 7 tới đây. Việc tăng lãi suất liên tiếp của Fed cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của cơ quan này trong việc kiềm chế lạm phát, bất chấp việc phải đổi lấy tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, công bố ngày 7/6, WB cũng tiếp tục hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 2,9% thấp hơn mức 4,1% đưa ra hồi tháng 1 năm nay. Rõ ràng, nguy cơ lạm phát cao đi kèm với tăng trưởng thấp đã trở nên rõ rệt hơn, tương tự như tình trạng “đình lạm” diễn ra trong thập niên 1970. Trong quá khứ, tình trạng này đã kéo theo sự thắt chặt của chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế phát triển để kiểm soát lạm phát, dẫn tới gia tăng chi phí vay vốn và tiềm ẩn rủi ro khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích, tăng lãi suất đang là xu hướng chủ đạo của các NHTW lớn trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc. Trong bối cảnh các NHTW thắt chặt tiền tệ, dòng tiền rẻ không còn, dẫn tới rủi ro dịch chuyển dòng vốn đầu tư tại các quốc gia đang phát triển. Lãi suất tăng cũng khiến nghĩa vụ trả nợ gia tăng, rủi ro khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tiềm ẩn rất lớn.
Mặc dù, động thái tăng lãi suất của Fed vấp phải nhiều chỉ trích vì được tiến hành muộn và dồn dập, song theo GS. TS. Trần Ngọc Thơ - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, điều này là dễ hiểu bởi cục diện kinh tế thế giới với các yếu tố tác động từ hai phía cung - cầu đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Không có bài học kinh nghiệm nào trong lịch sử có thể đúng hoàn toàn với bối cảnh hiện tại. Theo đó, các quan điểm phổ biến trước đây là cú sốc nguồn cung thường mang tính tạm thời. Nhưng bối cảnh hiện tại lại cho thấy hạn chế nguồn cung dai dẳng, đặc biệt liên quan đến Covid-19, xung đột Nga-Ukraine và chủ nghĩa chống toàn cầu hóa đã đẩy giá lên cao hơn, dẫn đến nhiều biến động vĩ mô khó lường.
“Vì vậy, chính sách tiền tệ không thể vừa ổn định lạm phát vừa đảm bảo tăng trưởng mà phải lựa chọn giữa chúng. Các NHTW phải chấp nhận lạm phát cao hơn hoặc phá hủy nhu cầu để kiềm chế lạm phát”, GS. Thơ nhận định.
Đủ công cụ để bình ổn
Theo các chuyên gia, nguyên nhân lạm phát hiện nay ở một số nền kinh tế lớn do chính phủ các nước tung mạnh gói cứu trợ. Đối với tình hình Việt Nam, giá cả hàng hóa gần đây tăng lên, theo Tổng cục Thống kê đánh giá, chủ yếu đến từ các yếu tố đầu vào nhập khẩu, không phải từ việc thực hiện các gói hỗ trợ nền kinh tế. Đơn cử, giá xăng và dầu tăng vọt trong tháng 5 là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát, trong khi giá lương thực, thực phẩm đóng góp không lớn và lạm phát cơ bản chỉ nhích nhẹ so với tháng trước. Lạm phát của Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng lớn từ các cú sốc nguồn cung trên thế giới.
GS. Trần Ngọc Thơ cho rằng, kể cả trong trường hợp lạm phát do yếu tố nhập khẩu, không nên quá lạm dụng các biện pháp hành chính, như yêu cầu hạ lãi suất đồng loạt, kiểm soát giá… sẽ làm thị trường méo mó. Theo GS. Thơ, các chính sách kích thích kinh tế quá mức sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát do lựa chọn này nuôi dưỡng lạm phát kỳ vọng. Nhắc lại bài học về khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu từng khiến Việt Nam lao đao trong giai đoạn 2008-2009, GS. Thơ cho rằng, khi đó nhiều người cũng từng lo ngại về rủi ro nhập khẩu lạm phát, nhưng cuối cùng nguyên nhân chính gây ra lạm phát lại là do kích thích tổng cầu quá mức để hỗ trợ tăng trưởng. “Kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, cần tập sống chung với lạm phát thường xuyên do cú sốc nguồn cung”, ông Thơ khuyến cáo.
TS. Hồ Quốc Tuấn - Trường Đại học Bristol (Vương quốc Anh) cũng nhìn nhận, mặc dù đây là cơn bão lớn đối với kinh tế thế giới, song Việt Nam đang ở vị thế tương đối tốt để vượt qua cơn bão này. Cụ thể, Việt Nam không ở trạng thái tăng trưởng quá thấp. So với nhiều nền kinh tế hiện nay, chúng ta tốt hơn rất nhiều, với dư địa lạm phát vẫn còn và thị trường tài chính - ngân hàng vững chắc hơn rất nhiều so với trước đây. NHNN Việt Nam cũng có nhiều công cụ can thiệp vào thị trường.
“Tôi có nhận định lạc quan khi thấy rằng so với hầu hết các nền kinh tế ở châu Á thì Việt Nam là nền kinh tế ở trạng thái tốt hơn nhiều để có thể vượt qua cơn bão này”, ông Tuấn nói và phân tích sức ép đối với công tác điều hành của NHNN trên hai bình diện. Thứ nhất, có cần tăng lãi suất hay không. Thứ hai, nếu chênh lệch lãi suất tăng lên thì có tạo ra sức ép cho tỷ giá hay không. Từ hai góc độ đó, sức ép là có, nhưng NHNN có đủ công cụ bình ổn thị trường.
Trong bối cảnh thông thường, khi lãi suất thế giới tăng lên, nếu không tăng lãi suất trong nước sẽ dẫn tới rủi ro dòng vốn chảy ra ngoài. Việc tăng lãi suất lên giúp duy trì chênh lệch lãi suất giữa USD và VND. Tuy nhiên trên thực tế, trong ngắn hạn NHNN có đủ công cụ điều hành để hoá giải vấn đề này. Theo đó tình trạng USD hoá trong nền kinh tế đã giảm đi rất nhiều, vì vậy sức ép để duy trì chênh lệch lãi suất giữa USD và VND không lớn như giai đoạn trước. Nên trong ngắn hạn không có sức ép quá lớn trong việc cần tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát. “Khi lạm phát không còn là vấn đề quá lo lắng thì người dân sẽ chuyển sang gửi VND nhiều hơn và không có nhu cầu nắm giữ USD, từ đó tiếp tục ổn định được tỷ giá”, ông Tuấn phân tích.
Vấn đề khó dự báo hiện nay là các diễn biến của lạm phát và kéo theo đó là xu hướng tăng lãi suất của các nền kinh tế lớn trong dài hạn. Theo các chuyên gia, ngay cả Fed cũng đưa ra các bước điều chỉnh lãi suất chưa từng được dự báo trước đây, cho thấy rủi ro lạm phát vẫn còn rất lớn. Trong trường hợp sức ép lạm phát từ bên ngoài quá lớn, giải pháp tốt nhất mà cơ quan điều hành trong nước có thể tính đến là linh hoạt để “câu giờ”. Theo đó có thể tăng lãi suất ở mức sao cho kỳ vọng lạm phát của nền kinh tế kéo về mức hợp lý. Khi tổng cầu co lại do lãi suất tăng sẽ dẫn tới kỳ vọng lạm phát của người dân được điều chỉnh về mức hợp lý, lạm phát không quá thấp cũng không quá cao. Khi đó sẽ phát đi một thông điệp cho các chủ thể trong nền kinh tế thấy rằng Chính phủ đang kiên định với mục tiêu chống lạm phát.