“Tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2023. Tôi khá lạc quan chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ và ổn định nền kinh tế”, giáo sư Andreas Hauskrecht - chuyên gia kinh tế hiện giảng dạy tại Trường Kinh doanh Kelley thuộc Đại học Indiana (Mỹ) - nhận định với Zing.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý việc kích thích nền kinh tế quá sớm có thể tạo rủi ro. “Do đó, Việt Nam cần kiên nhẫn, đánh giá tình hình theo từng quý, sau đó đưa ra quyết định”, ông nói.
Đồng nhận định, giáo sư David Dapice - chuyên gia kinh tế của Chương trình Việt Nam tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard - cũng cho rằng trong năm 2023, Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng khá nhanh và không gặp phải các vấn đề nghiêm trọng.
Ở chiều ngược lại, nền kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ đối mặt nhiều thách thức. Theo bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư Natixis, năm 2023 sẽ là năm khó khăn.
“Các nền kinh tế châu Á sẽ giảm tốc. Trong khi đó, xung đột ở Ukraine có thể làm tăng giá năng lượng hoặc thực phẩm một lần nữa”, bà nói.
“Về cơ bản, nếu nền kinh tế Mỹ và châu Âu đình trệ hoặc suy thoái và kinh tế Trung Quốc phục hồi nhẹ (với mức tăng trưởng 5,5%), lạm phát sẽ giảm”, bà nhận định.
Tuy nhiên, theo bà, nếu tình hình dịch bệnh hoặc xung đột trên thế giới chuyển biến theo hướng không khả quan, áp lực lạm phát có thể tăng lên. "Trong trường hợp đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vượt quá mức 5%, và điều này có thể khiến Mỹ rơi vào suy thoái", bà nói thêm.
Dẫu vậy, bà cũng chỉ ra một điểm sáng, đó là nếu Trung Quốc thành công chống dịch, điều đó sẽ giúp ích cho nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam là điểm sáng
Chia sẻ với Zing về tình hình kinh tế Việt Nam, ông Hauskrecht nhận định: “Tôi thực sự rất ngạc nhiên về kết quả hoạt động của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng tốt hơn hầu hết quốc gia khác trên thế giới. GDP của Việt Nam trên 6% quả là rất ngoạn mục”.
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có kế hoạch tuyệt vời.
“Họ ổn định tỷ giá hối đoái bằng cách kết hợp bán USD và điều chỉnh lãi suất ở mức độ nhất định. Ngày hôm nay (27/12), khi nhìn giữa tỷ giá VNĐ và USD, có thể thấy chúng ta như quay lại thời điểm 6-7 tháng trước, ở mức dưới 24.000 VNĐ/USD”, ông cho hay.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia nhận định Việt Nam đã tạo ra môi trường tiền tệ ổn định.
“Chính phủ Việt Nam làm rất tốt trên khía cạnh tiền tệ. Tôi khá lạc quan Việt Nam cũng sẽ làm tốt vào năm 2023”, ông nói với Zing.
Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều bởi một số vấn đề về chuỗi cung ứng, ông Hauskrecht cho hay.
“Vì vậy, tôi nghĩ tỷ lệ lạm phát sẽ nằm trong tầm kiểm soát”, ông nói.
Không những vậy, trước nhiều lo ngại về lạm phát, vị chuyên gia cho rằng tình hình này ở Việt Nam không đáng lo ngại và sẽ được cải thiện hơn trong năm tới.
“Chúng ta đang đối mặt với tình trạng lạm phát toàn phần, và giá tất cả sản phẩm bao gồm dầu mỏ và lương thực có thể ổn định, thậm chí còn nhanh hơn lạm phát cơ bản. Lạm phát cơ bản không bao gồm mức tăng chi phí năng lượng và thực phẩm”, ông giải thích.
Qua đây, ông Hauskrecht cho rằng điều cần làm là duy trì chiến lược mà Việt Nam đã thực hiện vào năm 2022. “Đó là bình tĩnh ổn định các điều kiện tài chính và tiền tệ, tạo sự tin cậy, giúp các (doanh nghiệp) dễ dự báo và giao tiếp tốt với thị trường”, ông chia sẻ.
Theo nhận định của ông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ. “Việc kiểm soát chi tiêu tài khóa là chìa khóa ổn định kinh tế vĩ mô. Một lần nữa, tôi luôn nhấn mạnh lập luận: Đừng bắt đầu kích thích nền kinh tế quá sớm. Hãy bình tĩnh và duy trì chính sách hiện có”, ông Hauskrecht nói.
"Kế hoạch đã thành công vào năm 2022 và sẽ tiếp tục thành công vào năm sau", ông nói thêm.
Trong khi đó, giáo sư Dapice tin rằng sẽ có điểm sáng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
“Nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm, nhưng sau đó sẽ phục hồi nhờ ngành sản xuất tiếp tục dịch chuyển định hướng xuất khẩu và việc chính phủ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng”, ông nhận định.
Tuy nhiên, ông chỉ ra một yếu tố cần lưu tâm, đó là nếu tình trạng sa thải công nhân nhà máy gia tăng vào đầu năm 2023, Việt Nam có thể cần bổ sung trợ cấp thất nghiệp hoặc đào tạo lại lao động.
3 bất ổn lớn với kinh tế thế giới
Các chuyên gia đều nhận thấy những tín hiệu không mấy khả quan từ nền kinh tế toàn cầu năm 2023.
Theo giáo sư Andreas Hauskrecht, bất ổn lớn đầu tiên là việc các trung tâm kinh tế lớn tăng lãi suất tác động tới những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
“Các nền kinh tế mới nổi ở nhiều lục địa, đặc biệt là ở châu Phi, bắt đầu cảm nhận được những ảnh hưởng từ việc Mỹ, châu Âu và cả Nhật Bản tăng lãi suất”, ông nhận định.
Ông lý giải các nền kinh tế này gặp vấn đề về nợ, đồng tiền mất giá, đồng thời gặp khó trong việc trả nợ bằng đồng USD.
“Do đó, khả năng cao thế giới sẽ chứng kiến nhiều vụ vỡ nợ quốc gia vào năm 2023. Năm 2022 đã có một số trường hợp như vậy, chẳng hạn Sri Lanka hay Ghana”, ông dự đoán.
Bất ổn thứ hai cho nền kinh tế thế giới mà vị chuyên gia từ Đại học Indiana nhận thấy là từ xung đột tại Ukraine.
“Chiến sự này tạo ra rất nhiều điều bất ổn. Chừng nào xung đột còn tiếp diễn, thì khi đó chúng ta vẫn đối mặt với rủi ro liên quan tới giá năng lượng và nguồn cung thực phẩm”, ông nói, nhấn mạnh sự thiếu hụt lương thực, đặc biệt là với Trung Đông và một phần Đông Phi, là mối lo lớn.
Ngoài ra, ông Hauskrecht cho rằng chúng ta cần phải phòng ngừa rủi ro từ tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc: “Chúng ta thực sự chưa rõ điều này sẽ có tác động thế nào tới chuỗi cung ứng”, ông nói.
“Do đó, dù rủi ro từ việc các trung tâm kinh tế tăng lãi suất là lớn, các vấn đề về chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và nhiều nơi khác trên thế giới có thể tiếp tục đẩy giá lên cao và ngăn các ngân hàng trung ương hạ lãi suất”, ông kết luận.
Giáo sư Dapice cũng cho biết chính sách phòng chống Covid-19 của Trung Quốc khiến bức tranh tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2023 khó đoán định. Trong trường hợp dịch bùng phát nhưng sau đó lắng xuống, Trung Quốc sẽ chứng kiến tăng trưởng mạnh mẽ vào giai đoạn cuối năm.
Đề cập tới giải pháp, ông Dapice nhận định việc chuẩn bị cho tình trạng tăng trưởng chậm hoặc thậm chí suy thoái vào năm 2023 sẽ phụ thuộc vào từng quốc gia.
“Các nước giàu có cơ chế tự ổn định và giảm bớt suy thoái kinh tế - như trợ cấp thất nghiệp hoặc trợ cấp thực phẩm, nhiên liệu hoặc tiền thuê nhà. Các nước nghèo hơn với dư địa tài khóa thấp hơn phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn hơn”, vị chuyên gia cho hay.
Ở nhiều nước nghèo, người lao động thất nghiệp có thể về quê và làm công việc có năng suất hoặc mức lương thấp hơn cho đến khi nền kinh tế được cải thiện, ông nói thêm.
Các nền kinh tế lớn khó khởi sắc
Theo giáo sư Dapice, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang đối mặt với thách thức tăng trưởng chậm, suy thoái hoặc cả hai. Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng đầu tiên của năm 2023 và duy trì mức lãi suất đó trong những tháng còn lại.
“Hiện (nền kinh tế Mỹ) chưa cảm nhận được nhiều tác động từ việc tăng lãi suất nhanh chóng và lạm phát. Dù có chiều hướng giảm, lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2%. Và việc Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nền kinh tế Mỹ thậm chí có thể không tăng trưởng vào năm 2023”, ông nói.
“Trong khi đó, EU có thể sẽ suy thoái trong phần lớn năm 2023, do tác động của chiến sự Ukraine và giá khí đốt tăng cao”, ông nhận định.
Đồng tình với giáo sư Dapice, ông Hauskrecht cho rằng nguy cơ suy thoái tương đối cao, song tình hình ở Mỹ và ở châu Âu khác nhau.
“Đối với Mỹ, vào năm 2023, chúng ta sẽ chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dương rất thấp, hoặc thậm chí tăng trưởng âm, hay một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, dù con số đó là +0,2% hay -0,2% cũng không có sự khác biệt lớn. Cả hai đều là con số khá tệ”, ông nói với Zing.
Bên cạnh đó, ông Hauskrecht cũng chỉ ra rằng có những dấu hiệu về tình hình kinh tế ảm đạm ở Mỹ, chẳng hạn mối nguy đối với thị trường cho vay thế chấp, tỷ lệ thất nghiệp tăng...
Đối với châu Âu, ông Hauskrecht cho rằng khó đánh giá tình hình kinh tế ở khu vực này trong năm tới. Tuy nhiên, ông khẳng định đây sẽ không phải năm khả quan với châu Âu, khi xung đột Ukraine đang ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực.
Về điểm sáng của nền kinh tế thế giới trong năm 2023, ông Hauskrecht nhận định điều đó còn phụ thuộc vào việc các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất trong bao lâu. “Câu hỏi là liệu họ có quay đầu”, ông nói.
“Chúng ta đang chứng kiến giá năng lượng giảm. Tôi sẽ coi đó là dấu hiệu tích cực, nhưng không đủ để thực sự thuyết phục các ngân hàng trung ương quay đầu (giảm lãi suất)”, ông nói.
Song vị chuyên gia nhận định giá năng lượng có thể tiếp tục giảm trong năm 2023.
“Tôi nghĩ giá năng lượng rất có thể sẽ giảm bởi khi nền kinh tế thế giới phát triển chậm lại, họ tiêu thụ ít năng lượng hơn. Khi nhu cầu giảm, giá năng lượng sẽ giảm”, ông giải thích.
“Vì vậy, giá năng lượng không phải là vấn đề gây quá nhiều bận tâm, mà là giá của những mặt hàng khác vốn vẫn ở mức cao. Điều này có thể xuất phát từ các vấn đề về chuỗi cung ứng, với hai câu hỏi lớn liên quan đến Trung Quốc và châu Âu”, ông nói.