Nhân dịp Văn phòng Chính phủ Anh đổi chủ, cùng nhìn lại thành tựu từ mối quan hệ ngoại giao kéo dài 49 năm giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh bắt đầu từ năm 1973 và nâng nên mối quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2010. Đến 2020, hai bên tiếp tục đưa ra Tuyên bố chung mới về Đối tác chiến lược với 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên. Việt Nam và Anh khẳng định cùng hướng đến việc nâng quan hệ lên mức cao hơn trong 10 năm tới.
Thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh qua các năm. (Nguồn ảnh: Tin đồ họa - Thông tấn xã Việt Nam)
Sau Tuyên bố chung giữa hai nước, ngày 29/12/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) được ký tại London, Vương quốc Anh và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.
Với những cam kết từ Hiệp định UKVFTA, các nhà xuất khẩu của Vương quốc Anh hay của Việt Nam đều được hưởng lợi. Hiện nay, 85,6% số dòng thuế được xóa bỏ đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh. Đến năm 2027, con số này sẽ nâng lên mức 99,2%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh.
Cơ cấu các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Anh 7 tháng năm 2022 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Vương quốc Anh đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam xuất siêu hơn 3 tỷ USD.
Cơ cấu các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Anh trong 7 tháng năm 2022. (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Vương quốc Anh đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu.
Riêng tháng 7/2022, tổng giá trị xuất khẩu sang Anh đạt hơn 569 triệu USD. Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác chiếm tỷ trọng lớn nhất với 20,14%, xếp ngay sau là điện thoại các loại và linh kiện chiếm 19,3%.
Nông lâm thủy sản Việt Nam đang có ưu thế khi xuất khẩu sang Anh nhờ hưởng lợi từ Hiệp định UKVFTA với 94% trong tổng số 547 dòng thuế các sản phẩm nông nghiệp được hưởng ưu đãi thuế suất 0%, theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Số liệu từ Tổng cục Hải quan.
Ở chiều ngược lại, tổng giá trị nhập khẩu từ Anh đạt hơn 61 triệu USD trong tháng 7 vừa qua. Chiếm phần lớn là các loại hàng hóa khác với trị giá 17,8 triệu USD và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác xấp xỉ 16,3 triệu USD.
Vương quốc Anh hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xanh
Trong lĩnh vực đầu tư, Vương quốc Anh xếp hạng 15/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD (tính đến ngày 20/08/2022). 8 tháng đầu năm 2022, Anh đã đầu tư 25 dự án mới vào Việt Nam, nâng tổng số dự án lên 478.
Các dự án đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản và khai khoáng.
Ngày 29/6 vừa qua, ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký kết Bản thỏa thuận ghi nhớ Hỗ trợ ngư dân trong quá trình phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với Tập đoàn Enterprize Energy của Anh. Đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, với tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.
Đại diện Tập đoàn Enterprize Energy và lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận trao bản ghi nhớ. (Ảnh: Bùi Ngọc Thắng)
Ngoài ra, hai nước còn có nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng đang được triển khai và đạt hiệu quả tốt.
Trước mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận các giải pháp công nghệ nhằm xây dựng nền tảng năng lượng tái tạo.
Vương quốc Anh là quốc gia có nền công nghiệp công nghệ cao phát triển, đặc biệt là công nghệ về năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng. Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để hợp tác, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ Anh.
Đồng thời, tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp, năng lượng của Anh và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp sang Anh, nhờ lợi thế sẵn có của Hiệp định UKVFTA.
Thời gian qua, lãnh đạo Việt Nam đã có hàng loạt chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương. Đồng thời, thúc đẩy xây dựng các chính sách, pháp luật làm đòn bẩy cho hợp tác kinh tế, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, triển khai hiệu quả UKVFTA.
Đến nay, mối quan hệ hợp tác song phương đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực và kỳ vọng còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.