Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect (mã VND-HOSE) thông báo Quyết định của HĐQT về việc vay vốn tại tổ chức tín dụng
Theo đó, VnDirect đồng ý thông qua việc sử dụng vốn vay, bảo lãnh thẻ tín dụng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (mã VCB-HOSE) với tổng giới hạn tín dụng 10.000 tỷ đồng. Mục đích vay vốn nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Đồng thời, VnDirect cũng thông qua việc sử dụng tài sản thanh khoản cao thuộc sở hữu của công ty (gồm tiền gửi không kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu, và các tài sản thanh khoản cao khác theo quy định của Vietcombank theo từng thời kỳ) và các tài sản khác thuộc sở hữu của công ty được Vietcombank chấp thuận và phù hợp với quy định để thế chấp, cầm cố và các hình thức bảo đảm khác cho nghĩa vụ của công ty tại Vietcombank.
Kết thúc quý 1/2023, VND ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 27% từ 1.771 tỷ còn gần 1.291 tỷ - trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua FVTPL tăng 17% đạt gần 781 tỷ, còn lãi từ các khoản cho vay, phải thu lỗ giảm 46% còn 249 tỷ và doanh thu nghiệp vụ chứng khoán giảm 68% còn 145,7 tỷ.
Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng 4% lên 633,32 tỷ và lợi nhuận trước và sau thuế giảm 82% so với cùng kỳ lần lượt đạt 171,5 tỷ và 135,67 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2023, VND có gần 2.471 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, vốn chủ sở hữu là hơn 14.650 tỷ đồng; vốn điều lệ là 12.178 tỷ và tổng tài sản là gần 37.025 tỷ đồng
Cũng tính đến 31/3/2023, ghi nhận thông qua lãi/lỗ FVTPL có tổng giá trị hơn 20.000 tỷ đồng, trong đó dành 9.800 tỷ đồng “ôm” trái phiếu doanh nghiệp và 1.324 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đã niêm yết và chưa niêm yết.
Theo bản cân đối kế toán của VND, thì nợ phải trả của VND là 22.374 tỷ đồng - trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 18.400 tỷ đồng và vay trái phiếu dài hạn 400 tỷ đồng.
Về vay nợ ngắn hạn, thì chủ nợ của VND chủ yếu là ngân hàng - trong đó Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (mã BID-HOSE) là chủ nợ lớn nhất với 4.687 tỷ đồng; Vietcombank đang là chủ nợ lớn thứ 2 với dư nợ 3.697 tỷ đồng và Vietinbank (CTG) thứ 3 với dự nợ 599 tỷ đồng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho VCB tăng vốn điều lệ từ 47.325.165.710.000 đồng lên 55.891.020.680.000 đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức của VCB đã được Đại hội đồng cổ đông VCB thông qua.
Trước đó, vào ngày 05/06/2023, ông Đàm Minh Đức - thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CB Bank) - thông báo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) sẽ trở thành ngân hàng mẹ của CB Bank trong vòng 6 tháng tới. Ông cho biết, Bộ Chính trị đã phê duyệt kế hoạch để VCB tiếp nhận CB Bank theo chương trình chuyển giao bắt buộc các Tổ chức tín dụng yếu kém (DCI) và CB Bank đang chuẩn bị cho việc chuyển giao này.
Tại ĐHCĐ 2023 của VCB, ban lãnh đạo không công bố tên ngân hàng sẽ được VCB tiếp nhận theo chương trình chuyển giao bắt buộc DCI. Tuy nhiên, VCB có bình luận rằng việc tiếp nhận DCI là trách nhiệm vì VCB chỉ có thể phát triển trong môi trường kinh tế vĩ mô ổn định với hệ thống ngân hàng lành mạnh.
VCB cũng xem đây là cơ hội để phát triển nếu có thể tận dụng những lợi thế mà Chính phủ dành cho các ngân hàng tham gia tiếp nhận DCI. VCB cho biết đã trình lên các cơ quan chức năng kế hoạch chi tiết tiếp nhận DCI và sẽ triển khai kế hoạch sau khi được phê duyệt.