Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – mã VCB) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 68.082 tỷ đồng, tăng 20,2% so với năm 2021. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 25,9% so với cùng kỳ, đạt trên 53.246 tỷ đồng.
Trong năm 2022, lãi từ hai hoạt động ghi nhận giảm so với cùng kỳ là kinh doanh dịch vụ và hoạt động khác, mức giảm lần lượt là 7,7% và 14,2 % về còn lần lượt 6.839 tỷ đồng và 2.054 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối của VCB trong năm đạt 5.768 tỷ đồng, tăng 31,8%; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi 81,6 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ 115,2 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2021 lãi 137,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí hoạt động trong năm tăng vọt 20,3% lên mức 21.250 tỷ đồng, tương ứng tăng 3.584 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập (CIR) ở mức 31,2%. Trong năm kinh doanh 2022, Vietcombank đã trích từ lợi nhuận 9.464,2 tỷ đồng vào chi phí dự phòng rủi ro, giảm 17,6% so với cùng kỳ. Kết quả, nhà băng này lãi trước thuế hơn 37.368 tỷ đồng, tăng 35,9% so năm trước.
Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế tối thiểu tăng 12% so với kết quả năm 2021, tương đương 30.675 tỷ đồng. Như vậy, nhà băng này đã vượt mục tiêu kinh doanh đề ra trong năm 2022 khi lãi trước thuế tăng 35,9% so với năm 2021.
Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2022 của Vietcombank tăng trưởng nhưng chất lượng tín dụng của Vietcombank lại có dấu hiệu đi xuống. Tổng nợ xấu tính đến hết năm 2022 đạt 7.820,3 tỷ đồng, tăng 27,7% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh lên mức hơn 6.623 tỷ đồng, tăng 49,9% so với thời điểm đầu năm 2022. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,64% đầu năm lên 0,68%.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản Vietcombank đạt 1,81 triệu tỷ đồng, tăng 28,2% so với đầu năm. Trong đó, mục tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác ghi nhận tăng 38,8% so với năm 2021 khi đạt con số 313.600 tỷ đồng với 283.700 tỷ đồng là tiền gửi tổ chức tín dụng khác và 40.700 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng khác vay.
Tuy nhiên, ở khoản dư nợ tiền gửi có kỳ hạn và cho vay các tổ chức tín dụng khác của Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu tăng cao bất thường lên đến 5,7% khi nhà băng này trích thêm dự phòng rủi ro 6.888 tỷ đồng nâng tổng mức dự phòng rủi ro dư nợ tiền gửi có kỳ hạn và cho vay các tổ chức tín dụng khác lên đến 10.840 tỷ đồng, năm 2021 tỷ lệ này chỉ ở mức 2,3%.
Về khoản dư nợ cho vay khách hàng, năm 2022 nhà băng đã cho khách hàng vay hơn 1,14 triệu tỷ đồng, tăng 19,2% so với đầu năm 2022. Quỹ dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tính đến 31/12/2022 có giá trị 24.779 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 961 tỷ đồng tương ứng với 3,7%. Nguyên nhân khiến quỹ dự phòng rủi ro giảm trong năm mặc dù nợ xấu ở mức cao do Vietcombank đã sử dụng 3.530 tỷ đồng từ quỹ để xử lý các khoản cho vay khó thu hồi.
Tiền gửi khách hàng tại Vietcombank trong năm 2022 tăng 9,5% lên gần 1,24 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi vốn chuyên dùng và tiền gửi ký quỹ đạt hơn 1,24 triệu tỷ đồng, tăng hơn 108 nghìn tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giữ nguyên ở mức 32,3%
Ngoài ra, Vietcombank còn tiếp tục nhận được nguồn vốn giá rẻ với quy mô lớn khi tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại nhà băng này đã lên tới 49.548 tỷ đồng, gấp 6,4 lần con số cuối năm 2021 (7.694 tỷ đồng).
Mới đây, trong cuộc họp ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông kế hoạch kinh doanh cho năm 2023, Vietcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022. Như vậy, năm 2023, Vietcombank dự kiến lãi tối thiểu khoảng 43.000 tỷ đồng.
Ngân hàng này cũng dự kiến tổng tài sản so với cuối năm 2022 tăng 9% trong năm 2023. Trong đó, tín dụng tăng 13% với tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. Huy động vốn từ thị trường 1 tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng với tỷ lệ cho vay/huy động không cao hơn mức thực hiện năm 2022.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, với lợi nhuận có thể phân phối là 29.390 tỷ, Vietcombank dự kiến trích gần 1.470 tỷ cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, trích 2.939 tỷ đồng cho quỹ dự phòng tài chính và 3.291 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi,...
Sau khi trích lập các quỹ và điều chỉnh khác, lợi nhuận còn lại của Vietcombank là hơn 21.680 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được Vietcombank dùng để chia cổ tức theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.