Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm. Báo cáo này cho biết trong quý gần nhất, doanh thu thuần hãng hàng không này ghi nhận được là 18.323 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm ngoái.
Dù vẫn ghi nhận hoạt động kinh doanh dưới giá vốn, tuy nhiên, đà tăng của giá vốn kỳ này đã thấp hơn nhiều so với mức tăng doanh thu kể trên. Nhờ xu hướng này mà khoản lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh chính của Vietnam Airlines đã giảm gần 9 lần, chỉ còn gần 377 tỷ đồng.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh bước đầu trở lại bình thường, đà tăng doanh thu kể trên của Vietnam Airlines cũng đi kèm với mức tăng của các chi phí phát sinh trong kỳ, từ chi phí tài chính, bán hàng cho tới chi phí quản lý doanh nghiệp.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí này, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức âm 2.497 tỷ đồng. Dù chưa thể thoát lỗ từ hoạt động kinh doanh, tuy nhiên kết quả này đã giảm 44% so với số lỗ hãng phải ghi nhận trong quý II/2021.
Lỗ sau thuế công ty ghi nhận trong quý này là 2.568 tỷ đồng, cũng giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận 29.944 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 114% so với cùng kỳ. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của hãng vẫn báo số âm hơn 5.118 tỷ đồng. Điểm tích cực là mức lỗ này đã thấp hơn gần 40% so với giai đoạn nửa đầu năm 2021.
Đây là khoản lỗ thấp thứ 2 của Vietnam Airlines kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Với việc lỗ thêm hàng nghìn tỷ đồng trong quý II và nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines đã đánh dấu quý thua lỗ thứ 10 liên tiếp. Trên bảng cân đối kế toán, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của hãng hàng không này đã rơi xuống mức âm 28.921 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp tiếp tục âm trên 4.900 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo Vietnam Airlines, kết quả phục hồi và giảm lỗ kể trên của hãng đạt được chủ yếu nhờ thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc giá nhiên liệu tăng mạnh và thị trường quốc tế chưa hồi phục như kỳ vọng là nguyên nhân khiến công ty chưa thể thoát lỗ.
Hiện tại, nhiên liệu bay chiếm khoảng 40% chi phí khai thác của Vietnam Airlines. Tháng 11/2021, hãng xây dựng kịch bản nhiên liệu bay dự kiến là 80 USD /thùng Jet A1 (bình quân của các năm trước đó là 76 USD /thùng). Tuy nhiên, sang năm 2022, bình quân 6 tháng đầu năm giá nhiên liệu là 116 USD /thùng Jet A1, đến tháng 7 giá tăng lên 165 USD /thùng Jet A1. Con số này cao gấp đôi dự kiến. Kết quả này khiến Vietnam Airlines phát sinh thêm chi phí nhiên liệu bay khoảng 2.300 tỷ đồng sau nửa đầu năm.
Theo ban lãnh đạo hãng, thị trường quốc tế vốn mang về 65% doanh thu mới chỉ phục hồi ở những bước đầu. Lượng khách bay quốc tế chỉ đạt khoảng 2,5 triệu lượt, kém xa mức trước dịch.
Theo báo cáo do Cục Hàng không gửi Bộ Giao thông vận tải, các rào cản nhập cảnh là nguyên nhân khiến nhu cầu đi lại bị hạn chế đáng kể.
Trong nửa đầu năm qua, Vietnam Airlines đã nối lại 35 đường bay quốc tế, bằng 53% so với trước dịch (năm 2019). Hãng cũng chưa thể khai thác trở lại các đường bay đến Trung Quốc, Myanmar, Nga do những hạn chế từ nhà chức trách hoặc căng thẳng chính trị.
Theo hãng hàng không này, lần đầu tiên kể từ khi Covid-19 bùng phát, công ty mới ghi nhận có lãi trong nhiều ngày cao điểm hè tháng 7. Mùa du lịch hè nội địa kéo dài đến tháng 8, cùng với việc các thị trường quốc tế tiếp tục nới lỏng, nhu cầu du lịch phục hồi, Vietnam Airlines kỳ vọng thu được dòng tiền lớn trong giai đoạn tới.