Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC - sàn HoSE) cho biết, trong tháng 7, đã ghi nhận doanh thu đạt 1.198 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gần 13% so với hồi tháng 6.
Tuy nhiên, nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng doanh thu trong những tháng của quý 2 vừa qua thì doanh số bán hàng của VHC đã có sự giảm tốc. Doanh thu tháng 7 của công ty thấp hơn 20,6% so với tháng 5 và thấp hơn 27% so với tháng 4.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của VHC đạt 8.692 tỷ đồng, tăng 82,7% so với cùng kỳ năm trước. Xét về cơ cấu doanh thu trong tháng 7, cá tra đem về cho VHC 789 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm phụ của công ty ghi nhận doanh thu tăng 69%, sản phẩm sức khoẻ tăng 22%, sản phẩm khác (mì và bánh tráng) tăng tới 335%, qua đó bù đắp việc doanh thu bánh phồng tôm giảm hơn 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ hiện vẫn là thị trường chính của VHC, chiếm 434 tỷ đồng tương đương 36% tổng doanh thu trong tháng 7, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu lớn khác của công ty như EU và Trung Quốc đều ghi nhận sự tăng trưởng. Đáng chú ý, VHC đang theo đuổi chiến lược mở rộng cơ sở khách hàng tại Trung Quốc, đẩy mạnh thâm nhập vào phân khúc cao cấp của thị trường Trung Quốc vốn ít biến động về giá.
Thị trường nội địa đóng góp 177 tỷ đồng vào doanh thu của VHC trong tháng 7, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm nay, VHC đạt mục tiêu 13.000 tỷ đồng doanh thu và 1.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 43,6% và 45,6% so với mức thực hiện trong năm 2021. Như vậy, VHC hiện đã hoàn thành 67% kế hoạch doanh thu của cả năm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt xấp xỉ 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức phục hồi nhanh kỷ lục lần đầu tiên trong 20 năm qua.
Năm nay, dự báo lần đầu tiên ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỷ USD và sẽ tăng khoảng 12-15% so với năm 2021. Trong đó, sản phẩm nuôi trồng thủy sản là cá tra và tôm sẽ chiếm khoảng 65%, các sản phẩm khai thác biển chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho biết, trong hai năm qua, thủy sản Việt Nam duy trì được năng lực cạnh tranh, nằm trong TOP 3 sau Trung Quốc và Na Uy về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.Trong đó, có những mặt hàng đặc biệt như cá tra, mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang chi phối 95% nguồn cá thịt trắng toàn cầu, tăng 80%.
Tuy nhiên, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng cho biết nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 5/2022 do lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, đã đạt mức cao khi khối lượng nhập khẩu cao trong 5 tháng đầu năm nay. Cùng với việc các doanh nghiệp bắt đầu bước vào mùa xuất khẩu thuỷ sản thấp điểm, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý 3 năm 2022.
Bất chấp áp lực lạm phát, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12. SSI Research cho biết VHC có các đơn đặt hàng để sản xuất đến hết quý 3/2022 và các đơn đặt hàng quý 4/2022 với giá bán bình quân dự kiến sẽ ngang bằng với quý 2/022.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 17/8, cổ phiếu VHC đạt 86.900 đồng/cổ phiếu.