Mới đây, Công ty CP Vinhomes đề nghị các cơ quan chức năng tiếp nhận đường nội bộ tại khu dân cư Vinhomes Central Park do đơn vị này làm chủ đầu tư.
Các tuyến đường được bàn giao từ D1 đến D19, trong đó có tuyến đường ven sông Sài Gòn, hiện bị chắn bởi bức tường giữa hai khu dân cư Vinhomes và Saigon Peal. Sau khi mở rào này, tuyến đường ven sông Sài Gòn sẽ nối liền từ chân cầu Khánh Hội (quận 1) kéo dài tới chân cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh).
Cuối năm 2022, Chủ tịch UBND Tp.HCM đề nghị xem xét phá dỡ bức tường chắn giữa 2 khu dân cư cao cấp Vinhomes Central Park và Sai Gon Pearl (quận Bình Thạnh) để khơi thông tuyến đường ven sông.
Thời gian qua, Sở GTVT TP đã chủ trì lấy ý kiến các đơn vị liên quan, báo cáo UBND TP trước 20/9. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng kết luận: Chủ đầu tư khu dân cư Vinhome, Saigon Pearl sau khi xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông có trách nhiệm bàn giao lại cho cơ quan Nhà nước quản lý.
Sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 256km, chảy qua địa phận Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Tp.HCM. Trong đó, Tp.HCM có khoảng 80km sông chảy qua theo hướng bắc - nam, từ huyện Củ Chi dọc qua huyện Hóc Môn, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức cũ, quận 1, quận 2 cũ, quận 4 và quận 7.
Tuy nhiên, hiện 80km sông này chưa được khai thác hết tiềm năng, khiến người dân dù sống hai bên bờ vẫn chỉ tiếp cận được một diện tích khiêm tốn.
Theo quy hoạch, đoạn 1 của tuyến đường ven sông từ chân cầu Ba Son kéo dài tới rạch cầu Thị Nghè, với chiều dài khoảng 800m. Đến nay, đoạn đường ven sông dọc tuyến Tôn Đức Thắng, bến Bạch Đằng đã được hình thành, tuy nhiên đang bị ngắt quãng với 3km đưởng ven sông còn lại.
Đoạn 2 của tuyến đường dài khoảng 1,1km, từ đoạn cuối khu Ba Son sẽ kết nối tiếp với đường ven sông bắc qua rạch Thị Nghè, kéo dài qua cầu Thủ Thiêm và chạy đến cuối khu dân cư Saigon Pearl.
Đoạn cuối đường ven sông dài khoảng 920m (phần lớn đã có sẵn đoạn đường thuộc khu dân cư Vinhomes, kết nối từ bức tường ở Saigon Pearl về hướng cầu Sài Gòn).