Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 3 đạt 912.840 tấn, giảm 4% so với tháng trước và giảm 35% so với tháng 3/2022.
Bán hàng thép xây dựng đạt 890.560 tấn, xấp xỉ mức tháng trước nhưng giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 160.413 tấn, giảm 49% so với tháng 3/2022.
Tính chung quý 1/2023, sản xuất thép xây dựng đạt 2,7 triệu tấn, giảm 23% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng thép xây dựng đạt 2,6 triệu tấn, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu đạt 422.000 tấn, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2022.
VSA cho rằng thị trường bất động sản trì trệ cùng với chính sách thắt chặt tín dụng nên nhu cầu sử dụng thép xây dựng ở mức thấp so với kỳ vọng vào mùa xây dựng sau Tết. Giá nguyên vật liệu tăng nhiều khiến các nhà máy trong nước tăng giá bán nhiều lần để bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ.
Theo số liệu của Tập đoàn Hòa Phát, doanh nghiệp này đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 282.000 tấn thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao, tương đương tháng 2 nhưng giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này chủ yếu do nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu vẫn ở mức thấp so với năm trước, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi.
Về thị phần, Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu về thép xây dựng, chiếm gần 33,1% tiêu thụ xây dựng thép cả nước, tuy nhiên con số này đang có xu hướng giảm nhẹ so với những tháng trước. Đứng thứ 2 là VNSteel và Formosa đứng ở vị trí thứ 3.
Tại ĐHCĐ diễn ra cuối tháng 3, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết thời gian tới, tập đoàn sẽ điều tiết sản xuất theo tình hình thị trường, tập trung phát triển các loại thép chất lượng cao, nhường sân chơi cho những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng cơ bản.
Theo đó, Hòa Phát sẽ chuyển rất mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo, thép cho sản xuất ốc vít, dự ứng lực...
Ngoài ra, Hòa Phát vẫn đang nghiên cứu sản xuất thêm nhiều chủng loại thép chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng, như thép làm vỏ container, thép làm tanh lốp ô tô, thép đinh vít khác,…
"Qua khảo sát thị trường trong nước, nhu cầu thép cuộn cho sản xuất tanh lốp ô tô ngày càng lớn, tuy nhiên thép cuộn nguyên liệu hiện nay hoàn toàn phải nhập khẩu với chi phí cao. Thực tế cho thấy, một phân khúc thị trường thép cuộn phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang bỏ ngỏ, trong nước chưa có đơn vị nào sản xuất", đại diện Hoà Phát cho biết.
Sau hai đợt giảm giá gần đây, tổng mức giảm của thép cuộn phổ biến 500.000 – 600.000 đồng/tấn và thép cây là 250.000 – 400.000 đồng/tấn, tùy theo thương hiệu và khu vực thị trường.
Giá thép xây dựng giảm đang diễn biến theo xu hướng của thế giới trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép yếu và không ổn định, các kỳ vọng về tác động tích cực từ thị trường thép Trung Quốc tới thị trường thép thế giới đã không diễn ra như mong đợi.