“Thị trường xe điện quá khó nhằn”, đây là những gì Warren Buffett đã trả lời trong cuộc họp hội đồng thường niên của Berkshire Hathaway năm nay. Chỉ vài ngày sau đó, hàng loạt báo cáo của các startup ngành xe điện đã khẳng định lời tuyên bố này của huyền thoại đầu tư.
Cụ thể, hãng Polestar Automotive đã trở thành hãng xe điện lớn đầu tiên trên thế giới hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2023 sau khi công bố kết quả kinh doanh quý I năm nay. Một trong những nguyên nhân chính là do đối tác Volvo Cars cần thời gian để hoàn thiện phần mềm cho sản phẩm của Polestar. Bởi vậy Polestar 3 sẽ được ra mắt muộn hơn vào năm 2024 thay vì cuối năm nay như dự kiến.
Ngoài ra, CEO Thomas Ingenlath cũng nhận định tình hình dìm giá trên thị trường hiện nay của nhà Elon Musk cũng khiến mọi thứ khó khăn hơn, khiến Polestar khó có thể bán nhiều sản phẩm Polestar 2 như dự kiến.
“Chúng tôi không có ý định cố gắng bán thêm xe điện ra thị trường với bất cứ giá nào chỉ để đạt mục tiêu doanh số đề ra”, CEO Ingenlath nói khi liên hệ đến chiến lược dìm giá giành thị phần của Tesla.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) đánh giá Polestar là một trong những startup xe điện “mạnh khỏe” nhất hiện nay vì có 2 ông lớn chống lưng gồm Volvo-Thụy Điển và Geely đến từ Trung Quốc.
Do được tài trợ bởi 2 tập đoàn có lượng vốn lớn nên Polestar có đủ tự tin về nguồn lực để chấp nhận không tham gia cuộc chiến dìm giá giành thị phần hiện nay mà hướng đến phát triển bền vững lâu dài. Hiện Polestar cũng là startup hiếm hoi trên thị trường xe điện có lợi nhuận ròng.
Sản phẩm Polestar 2 được sản xuất tại nhà máy của Geely tại Trung Quốc nhưng Polestar 3 thì sẽ được làm ở cả Trung Quốc lẫn Thụy Điển.
Khó nhằn
Không riêng gì Polestar, hàng loạt startup khác trong ngành xe điện như Lucid và Fisker cũng hạ mức dự báo cho năm nay.
Startup xe điện hạng sang Lucid đã đốt hơn 1 tỷ USD nhưng lại chỉ mới bán được 1.406 sản phẩm trong quý I/2023 do nhu cầu thị trường xuống thấp cũng như cuộc chiến dìm giá khơi mào bởi Tesla. Doanh nghiệp này đã lỗ ròng 780 triệu USD trong 3 tháng đầu năm nay, mức tăng đáng kể so với khoản lỗ 81 triệu USD của năm 2022.
Thêm nữa, Lucid hiện cũng đã tiêu một nửa lượng tiền mặt dự trữ của hãng trong quý I/2023 và các giám đốc cho biết họ chỉ còn đủ tài chính hoạt động cho đến quý II năm sau.
Tình hình kinh doanh kém khiến Lucid phải hạ dự báo sản lượng xuống còn 10.000-14.000 chiếc xe điện trong năm nay, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của nhà đầu tư.
Trong khi đó startup Fisker mới chỉ bắt đầu giao xe theo hợp đồng, nhưng hãng có lợi thế nhất định từ nhà sản xuất đối tác Magna International. Bất chấp điều đó, Fisker vẫn phải hạ dự báo sản lượng trong năm nay từ 42.600 chiếc xuống còn 32.000 chiếc.
Lượng tiền mặt các khoản tương đương của Fisker đã giảm xuống chỉ còn 653 triệu USD. Thấp hơn 85 triệu USD so với cuối năm 2022.
Một cái tên nổi tiếng nữa là Rivian Automotive thì vẫn giữ nguyên dự báo sản lượng 50.000 chiếc trong năm 2023 nhằm làm hài lòng nhà đầu tư, thế nhưng công ty này đã phải tìm mọi cách để hạ chi phí sản xuất nhằm thu hẹp thua lỗ ròng bình quân trên mỗi chiếc xe bán ra xuống còn 75.000 USD/chiếc.
Trong quý I/2023, Rivian báo cáo dòng tiền âm đến 1,8 tỷ USD, trước đó con số này là âm 1,7 tỷ USD của 3 tháng cuối năm 2022. Hiện hãng chỉ còn khoảng 11,2 tỷ USD tiền mặt và tài sản tương đương tính đến cuối tháng 3/2023.
Các cổ đông và nhà đầu tư đang theo dõi khá sát tình hình đốt tiền của Rivian khi hãng đã tốn đến 6,6 tỷ USD trong năm ngoái nhưng kết quả kinh doanh không thực sự khả quan.
Tổng mức vốn hóa thị trường của Rivian đã bốc hơi từ 130 tỷ USD khi mới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2021 xuống còn 12,4 tỷ USD trước buổi công bố kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm nay.
Tồi tệ hơn, Rivian đang gặp rắc rối trong việc mở rộng sản xuất nhằm hoàn thành mục tiêu sản lượng đề ra. Trong quý I năm nay, hãng mới sản xuất được 9.395 chiếc xe điện, thấp hơn so với mức 10.020 cùng kỳ năm trước.
“Đây là thời cơ phát triển của xe điện và đây cũng là một cuộc cách mạng khá thú vị. Tuy nhiên tại thời điểm này, chúng lại đang đòi hỏi quá nhiều nguồn vốn và cũng có quá nhiều rủi ro. Tôi thì lại không thích kiểu đốt nhiều tiền mà lại rủi ro cao như thế”, Charlie Munger, cánh tay phải của Warren Buffett đồng quan điểm và có lẽ cả 2 nhà đầu tư này đều đã đúng.
*Nguồn: WSJ