Nội dung chính:
- Khoản phải thu ngày một lớn khiến dòng tiền kinh doanh thâm hụt và nợ khó đòi cũng tăng lên tương ứng.
- Việc trích lập dự phòng nợ xấu - được hạch toán vào chi phí quản lý, khiến lợi nhuận của Hòa Bình bị thu hẹp.
- Sau giai đoạn đạt đỉnh doanh thu vào 2 năm 2018, 2019, tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Xây dựng Hòa Bình chững lại trong các năm tiếp theo do chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Doanh thu công ty giảm từ hơn 18.609 tỷ đồng vào năm 2019 xuống còn hơn 11.000 tỷ đồng vào các năm 2020 và 2021.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 54% so với kết quả đạt được năm 2021, tương đương 17.500 tỷ đồng. Sau 3 quý, Hòa Bình ghi nhận 10.905 tỷ đồng doanh thu và đạt 62% kế hoạch năm.
Khoản phải thu liên tục tăng
Để đảm bảo doanh thu, dù thấp hơn trước, Hòa Bình buộc phải cho khách hàng nợ (thể hiện ở khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng) ngày càng nhiều. Về mặt nguyên tắc, toàn bộ các khoản nợ phải thu đều được công ty ghi nhận như một khoản doanh thu, nhưng chưa nhận được tiền.
Khoản tiền công ty cho khách hàng nợ tính đến cuối tháng 9/2022 đạt 6.165 tỷ đồng, vượt cả năm 2020, 2021 và tương đương giai đoạn 2019, 2018 - là giai đoạn kinh doanh rực rỡ nhất của công ty. Số tiền phải thu này tương đương 57% doanh thu 9 tháng đầu năm của nhà thầu. Tỷ lệ này có xu hướng tăng mạnh trong vài năm trở lại đây.
Việc kẹt vốn buộc Xây dựng Hòa Bình phải vay nợ tài chính để trang trải khiến dư nợ vay tính đến cuối tháng 9 đạt 6.565 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm.
Doanh thu đi xuống nhưng khoản phải thu không ngừng tăng đã khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty thâm hụt hơn 1.300 tỷ đồng tính đến hết tháng 9.
Cùng với khoản cho nợ ngày một tăng, nợ khó đòi của công ty cũng có chiều hướng tăng tương ứng cho thấy chất lượng nợ của Hoà Bình có chiều hướng xấu đi. Công ty đã dự phòng 46 tỷ đồng nợ khó đòi trong 9 tháng đầu năm, nâng khoản dự phòng nợ xấu lên mức 415 tỷ đồng cuối quý III/2022.
Tại ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 8, Chủ tịch Lê Viết Hải thừa nhận năm nay, việc thanh toán của các chủ đầu tư chậm hơn so với thời gian trước đây dù công ty đã triển khai rất nhiều biện pháp để thu hồi nợ. Thêm vào đó, tình hình chung của thị trường bất động sản cũng khiến việc thu hồi nợ chậm lại.
Bên cạnh các lý do như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp hay chi phí tài chính gia tăng, việc trích lập một khoản tiền lớn cho nợ khó đòi cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Hòa Bình không đạt kỳ vọng. Sau 9 tháng, công ty lãi sau thuế 61 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ - khi dịch bệnh Covid -19 đạt đỉnh. Với kết quả này, Hòa Bình mới chỉ đạt 17% kế hoạch lợi nhuận năm.
Ngoài ảnh hưởng đến dòng tiền và lợi nhuận, nợ khó đòi đẩy doanh nghiệp vướng vào những rắc rối khác. Điển hình là vụ tranh chấp kéo dài giữa Hòa Bình và FLC từ năm 2020 cho đến hết năm 2021 liên quan đến khoản phải thu 285 tỷ đồng của Hòa Bình tại 2 dự án do FLC làm chủ đầu tư. Đến giữa năm 2022, Hòa Bình mới thu được toàn bộ khoản nợ từ FLC. Những rắc rối về mặt pháp lý khiến việc đòi nợ trở nên khó khăn và tốn kém.
Ngành xây dựng khó chồng khó
Tình trạng cho khách hàng nợ ngày một nhiều và tăng trích lập nợ khó đòi của Hòa Bình phản ánh một phần bức tranh chung của ngành xây dựng trong bối cảnh bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, ngành xây dựng đang gặp phải nhiều thách thức mới do chính sách thắt chặt tín dụng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine khiến đầu tư nước ngoài không tăng mạnh như kỳ vọng, giá cả nguyên vật liệu leo thang, đơn giá nhân công tăng mạnh vẫn khó tuyển dụng... nên thậm chí nhiều nhà thầu quy mô lớn cũng phải đối diện với nguy cơ bị phá sản nếu không có sự hỗ trợ.
Hòa Bình cũng như các nhà thầu xây dựng đều gặp khó cả về phía nguồn cung (nguyên vật liệu, nhân công) lẫn nhu cầu (các doanh nghiệp bất động sản).
Nợ đọng là vấn đề nan giải của nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng. Hồi tháng 8, phía Hiệp hội Nhà thầu xây dựng từng tuyên bố trong tình huống bắt buộc, cần phải công khai danh sách đen các chủ đầu tư chây ỳ thanh toán.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận định, ngành xây dựng về tổng thể đã có sự tăng trưởng rõ rệt so với năm 2021 nhưng tình trạng ách tắc, vướng mắc pháp lý khiến không ít dự án chậm tiến độ.
“Doanh nghiệp xây dựng đang chịu nhiều thiệt thòi, nợ đọng không chỉ tồn tại 5 năm gần đây mà còn có khoản kéo dài trên 10 năm”, ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, với các dự án đầu tư công, nợ đọng chủ yếu là do thủ tục thanh/ quyết toán phức tạp, đặc biệt các công trình có khối lượng phát sinh. Còn với dự án vốn ngoài ngân sách, nợ đọng chủ yếu do một số chủ đầu tư có năng lực kém về tài chính, do vay mượn "tắc nghẽn", không có tiền trả cho nhà thầu, không bán, thoát được hàng...