Những động thái trên nhằm mục đích đảm bảo nguồn nhân lực sẵn sàng làm việc trong bối cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng, đồng thời tạo ra cơ hội cho người lao động cũ quay trở lại.
Từ lâu, người Nhật Bản có quan niệm nghỉ việc đồng nghĩa với cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ với công ty cũ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, suy nghĩ này đang dần thay đổi.
Sachiko Kido, 40 tuổi, đã bắt đầu làm việc trở lại tại Công ty Bia Kirin vào tháng 1/2022. Cách đó vài năm, cô đã nghỉ việc ở công ty này với mong muốn trở thành chuyên gia quan hệ công chúng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Kido đã thay đổi suy nghĩ và mong muốn được tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Cô đã chọn quay lại, tiếp tục làm việc cho nhà sản xuất bia này.
Trước đây, Kirin Holdings Co. chỉ tái tuyển dụng những người nghỉ việc với lý do như sinh con hay chuyển nhà theo chồng. Thế nhưng năm 2020, doanh nghiệp này đã dỡ bỏ hoàn toàn các điều kiện này. Đến nay đã có 5 người, bao gồm cả Kido, quay trở lại làm việc.
Năm 2016, công ty Ryohin Keikaku, chủ sở hữu thương hiệu Muji, đã tiên phong trong việc thúc đẩy tái tuyển dụng nhân viên cũ thông qua chương trình "Tuyển dụng quay trở lại".
Trong năm 2023, tổng cộng 211 người, bao gồm cả nhân viên bán thời gian, đã quay trở lại làm việc tại công ty.
Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các dịch vụ giúp xây dựng mạng lưới giữa các công ty và những người đã rời khỏi doanh nghiệp cũng xuất hiện.
Recruit Co. (nhà cung cấp thông tin việc làm có trụ sở tại Tokyo) đã giới thiệu Alumy - một dịch vụ quản lý thông tin về những người đã nghỉ việc. Thay mặt các nhà tuyển dụng cũ, Recruit Co. sẽ duy trì liên lạc thường xuyên với nhân sự đã nghỉ việc. Hai năm sau khi ra mắt, đã có hơn 100 công ty sử dụng dịch vụ này.
Tập đoàn Japan Post Holdings Co., với hơn 200.000 nhân viên chính thức, bắt đầu sử dụng Alumy vào năm 2022. Doanh nghiệp này hy vọng tái tuyển dụng nhân sự cũ với tư cách là nhân viên toàn thời gian hoặc bán thời gian, đồng thời xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với nhân viên cũ.
"Bằng cách duy trì mối quan hệ tốt với nhân viên cũ, chúng tôi muốn nâng cao giá trị doanh nghiệp của mình", đại diện tập đoàn nói.
Giáo sư Motohiro Morishima, chuyên gia về quản lý nhân sự của Đại học Gakushuin, nhận xét trong bối cảnh thay đổi công việc và nhảy việc ngày càng phổ biến, việc các công ty tăng cường tuyển dụng lại nhân viên cũ là điều dễ hiểu vì nhà tuyển dụng ít nhiều biết đến năng lực và tính cách của họ. Do đó, phương pháp này ít rủi ro hơn.
"Đối với các công ty, điều quan trọng là cho phép nhân viên tích lũy nhiều kinh nghiệm khác nhau trong khi họ đang làm việc và để họ nghỉ việc thoải mái khi quyết định rời đi", Giáo sư Motohiro Morishima nói.