Vừa mới bắt tay vào dự án trọng yếu, bạn lại bị sếp giao thêm hàng tá các công việc khẩn cấp khác. Hòm thư cá nhân của bạn luôn đầy ắp những email chưa đọc. Chưa kể, bạn đã phải hủy vô số cuộc vui chơi để có thêm thời gian làm việc.
Nếu rơi vào tình huống rối ren này, bạn sẽ giải quyết như thế nào? Tiếp tục làm việc cho đến khi kiệt sức hay xin nghỉ một vài ngày chỉ để tập trung giải quyết mớ việc tồn đọng? Lựa chọn thứ hai được gói gọn trong một thuật ngữ là “leavism” - xin nghỉ phép để xử lý công việc mà không bị gián đoạn bởi các yêu cầu từ sếp hay đồng nghiệp.
Ngoài nghỉ phép thường niên của công ty, những nhân viên thuộc trào lưu leavism còn có thể tận dụng sáng sớm hay chiều muộn ngoài giờ hành chính để tranh thủ hoàn thành nốt nhiệm vụ được giao. Về lâu dài, xu hướng chạy deadline này dễ dàng khiến nhân viên cạn kiệt sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Dưới đây, Stylist tổng hợp phân tích từ nhiều chuyên gia giúp bạn sớm nhận biết và thoát khỏi vòng tròn luẩn quẩn của leavism.
Nguyên nhân
Leavism xảy ra đơn giản là vì công việc quá nhiều nhưng thời gian để xử lý chúng lại quá ít. Dù vậy, lời lý giải sâu xa hơn cho hiện tượng làm việc này nằm ở tổ chức yếu kém, văn hóa công sở không lành mạnh và khó khăn để tập trung làm việc mà không bị sao nhãng.
Thực tế, không ít nhân viên phải làm việc ở những môi trường có nhiều tác nhân gây nhiễu. Theo Amrit Sandhar, người sáng lập The Engagement Coach, nhiều tổ chức có cấu trúc làm việc kém hiệu quả vì họp hành tốn thời gian cũng như sở hữu bộ máy có quy trình và thủ tục quá phức tạp. Sự trì hoãn cũng là một nhân tố đóng góp quan trọng cho vấn nạn này.
Theo đó, nhiều người khó tránh khỏi mang việc về nhà. Gần như không một nhân viên nào muốn san sẻ thời gian cá nhân cho công việc. Song, nếu không thoải mái làm việc tại gia, họ cũng phải đối mặt với áp lực cao điểm ở văn phòng.
Soma Ghosh, cố vấn về hạnh phúc trong sự nghiệp, lưu ý ngoài gây phân tâm quá mức, xu hướng làm việc tại nhà và tất cả công nghệ đi kèm còn khiến leavism trở thành phương thức xử lý duy nhất chúng ta có thể nghĩ đến được.
Ảnh hưởng
Leavism rút ngắn con đường dẫn đến kiệt sức. Khi đã phải cân nhắc đến nghỉ phép chỉ để làm tiếp mớ nhiệm vụ dang dở, rất có thể bạn đã rơi vào tình trạng choáng ngợp và quá sức vì công việc.
Về lâu dài, bạn sa đà vào leavism và chối bỏ cả nhu cầu nghỉ ngơi của bản thân. Giấc ngủ, chế độ ăn uống và hạnh phúc nói chung của bạn có thể rơi xuống mức báo động vì đặt công việc lên trước cả sức khỏe của mình, Gosh cho hay.
Theo Cara de Lange, chuyên gia ngăn ngừa kiệt sức kiêm người sáng lập Softer Success, bộ não của chúng ta gặp khó khăn trong phân biệt giữa các công việc nhỏ nhặt và nhiệm vụ chính yếu. Thế nên, ngay cả khi bạn cảm thấy mình chưa làm được việc gì “ra hồn”, đầu óc vẫn cảm thấy mệt mỏi.
Bên cạnh đó, những công ty theo đuổi văn hóa làm việc hối hả có thể khiến nhân viên vốn đã kiệt quệ sau nhiều giờ làm việc trở nên tồi tệ hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Kết quả, họ tìm đến leavism như một cách giải thoát. Tuy nhiên, điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn trong tách bạch công việc cũng như đối mặt với áp lực cuộc sống.
Xu hướng làm việc vào ngày nghỉ còn làm đam mê cho công việc giảm đi đáng kể. Sự hứng thú ban đầu dần biến thành một gánh nặng. Nhiều người thậm chí còn trở nên nản chí và sống một cách buông thả.
Phá vỡ vòng vây
Leavism có thể gây nghiện vì đây dường như là phương án khả thi cuối cùng để làm xong hết núi công việc cần làm.
Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thoát khỏi thói quen tìm đến leavism. De Lange khuyến khích sử dụng biện pháp “cold turkey”.
Nói cách khác, bạn vẫn xin nghỉ phép nhưng sẽ dùng thời gian đó để thực sự nghỉ ngơi và làm những gì bản thân thích. Trước đó, bạn hãy trình bày rõ ràng với sếp những công việc mình có thể hoàn thành cùng những việc cần phải san bớt cho người khác.
Bạn không nhất thiết phải đặt một chuyến du lịch nước ngoài để thả lỏng tinh thần. Đi dạo, tham quan những địa điểm mới gần nơi sống hay gặp gỡ bạn bè thân thiết cũng là những hoạt động đơn giản nhưng hiệu quả.
Bất cứ khi nào bạn nhớ đến công việc, hãy chặn đường suy nghĩ đó ngay. Bạn nên bắt đầu bằng việc tắt điện thoại và đăng xuất khỏi các ứng dụng liên quan. Ngoài ra, nhấn mạnh ngày nghỉ với bộ phận mình làm việc và đưa số điện thoại của một người chịu trách nhiệm thay thế trong những ngày bạn đi vắng là thiết yếu.
Đối phó với công việc chồng chất
Leavism xảy ra là vì đó là cách duy nhất để bạn làm việc hiệu quả hơn là vì bạn muốn hi sinh thời gian rảnh của mình. Như vậy, làm sao để bạn thay đổi thiên hướng làm việc này?
Đầu tiên, hãy đảm bảo bạn trao đổi rõ ràng với sếp về khó khăn gặp phải. Nếu bị phớt lờ hay không được coi trọng, bạn nên tiếp tục nhấn mạnh những ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe của mình. Bạn hãy nói mình yêu thích công việc hiện tại và chỉ muốn có những phương pháp làm việc tốt hơn.
Bạn cũng có thể tìm đến bộ phận nhân sự để được hỗ trợ thêm. Điều quan trọng là bạn chủ động tìm kiếm giúp đỡ và không cảm thấy hổ thẹn vì làm thế, Gosh cho hay.
Trong trường hợp công ty không trân trọng tâm sự cởi mở của bạn, rất có thể bạn đang phải đối mặt với một môi trường làm việc độc hại. Lúc này, bạn nên rời công ty hoặc tìm kiếm một công việc mới.
Xem xét san bớt công việc cho đồng nghiệp là một phương án thay thế leavism đáng tham khảo. Bạn cũng có thể ngỏ lời xin vắng mặt tại một số cuộc họp để tập trung hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng.
Quan trọng hơn cả, bạn hãy ngừng nói “có” với mọi nhiệm vụ được giao chỉ để gây ấn tượng. Đánh giá mức độ cần thiết của từng đầu việc là thiết yếu. Bạn cần chú trọng làm xong những nhiệm vụ quan trọng trước khi đồng ý làm các công việc ngoài luồng khác.
Theo Sandhar, lập kế hoạch và phân chia công việc theo thứ tự ưu tiên là một cách hay để không rơi vào quá tải. Lên danh sách những việc cần làm và gạch bỏ chúng khi đã làm xong có thể mang lại cho chúng ta cảm giác tiến bộ và phấn khởi hơn.
Cuối cùng, bạn hãy cố gắng làm việc một cách thông minh chứ không nên quá mức chăm chỉ. Bạn hãy cân nhắc chia công việc thành các phần nhỏ có thể hoàn thành trong 45 phút. Như vậy, bạn sẽ tập trung và có động lực làm việc hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu tâm về nhịp sinh học riêng. Thông thường, nhiều người tỉnh táo nhất vào cuối buổi sáng và cuối buổi chiều. Đây có thể là thời điểm tốt để lập kế hoạch làm việc chuyên sâu. Trong khi đó, đầu giờ chiều sẽ dành cho các công việc đơn giản hơn như phản hồi email hay điền báo cáo.