Giá xăng toàn cầu có thể sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi giá dầu đang tiến đến gần hơn mốc 100 USD/thùng. Việc Ả Rập Xê Út và Nga cắt giảm nguồn cung có thể sẽ khiến giá dầu tăng cao hơn.
Tuy nhiên, Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, cũng là một nhân tố gây ảnh hưởng khác. Dù tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã có sự cải thiện trong tháng 8, song vẫn có 2 lý do chính khiến thị trường có thể đang “quan trọng hoá” về nhu cầu của Trung Quốc và tác động của thị trường này đến giá dầu vào cuối năm 2023.
Trung Quốc đã chuyển sang mua dầu giá rẻ từ Nga trong những tháng gần đây. Ngoài ra, lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc dường như vẫn vượt xa nhu cầu cơ bản và hoạt động xuất khẩu các sản phẩm đã tinh chế, đặc biệt là dầu diesel, đang tăng mạnh.
Từ khi mâu thuẫn Nga - Ukraine nổ ra, Trung Quốc chỉ ra các biện pháp trừng phạt của phương Tây là không hợp lý và tiếp tục nhập khẩu dầu Nga với số lượng lớn. Song, kể từ tháng 12/2022, khi Mỹ và EU đồng tình áp giá trần với dầu Nga, lượng mua dầu của Trung Quốc đã tăng vọt.
Tổng khối lượng dầu thô mà Trung Quốc nhập khẩu đạt mức cao kỷ lục thứ 2 trong tháng 8, theo số liệu từ hãng cung cấp dữ liệu CEIC. Tuy nhiên, không tính đến dầu Nga, thì con số này chỉ tăng khoảng 2% so với mức tháng 12/2022. Nhập khẩu dầu Nga đã tăng khoảng 60% so với cùng kỳ và hiện cao hơn 30% so với mức nước này nhập khẩu từ Ả Rập Xê Út, nhà cung cấp lớn thứ 2 của Trung Quốc.
Trong bối cảnh giá dầu tham chiếu toàn cầu tăng cao, mối quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây đang căng thẳng hơn và dầu thô của Nga vẫn được giao dịch ở mức giá thấp hơn đáng kể so với những lựa chọn thay thế. Đây cũng là lý do có thể khiến xu hướng này tiếp tục kéo dài.
Theo dữ liệu từ CEIC, Trung Quốc đang nhập khẩu dầu Nga với mức chiết khấu 28 USD/tấn so với giá nhập khẩu dầu thô trung bình, thấp hơn nhiều so với mức chiết khấu 61 USD trong tháng 5. Và chừng nào sự chênh lệch đó vẫn còn tồn tại, thì đây vẫn là yếu tố đóng vai trò “giảm xóc” đối với giá dầu Brent cùng các loại dầu khác trên toàn cầu.
Hơn nữa, không có gì đảm bảo rằng lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nhanh. Trong phần lớn năm 2023, Trung Quốc dường như đã tích cực lấp đầy kho dự trữ dầu khi tận dụng mức giá thấp hơn. Dữ liệu của CEIC cho thấy, Trung Quốc không công bố số liệu thường xuyên về trữ lượng dầu thô như Mỹ, nhưng trong quý II, nước này đã sản xuất và nhập khẩu nhiều hơn khoảng 14 triệu tấn dầu thô so với lượng dầu tinh chế.
Hoạt động sản xuất các sản phẩm tinh chế như dầu diesel cũng được tăng tốc đột ngột trong năm 2023, cao hơn so với nhu cầu trong các lĩnh vực thường thấy như bất động sản và công nghiệp nặng.
Wall Street Journal cho hay, khi giá nhiên liệu toàn cầu tăng trở lại, những sản phẩm này sẽ “tìm đường” quay lại thị trường thế giới. Xuất khẩu ròng các sản phẩm dầu mỏ của Trung Quốc đã tăng gấp 3 trong tháng 8 lên 2,4 triệu tấn. Trong tháng 6, khi giá thấp hơn, Trung Quốc chỉ xuất khẩu ròng 109.000 tấn.
Rõ ràng rằng, đà tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ hồi phục bất ngờ vào cuối năm 2023 - dù nhiều khả năng là ổn định hơn là bứt phá. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có nhiều lý do khác để tiếp tục lấp đầy kho dự trữ dầu, thậm chí với giá cao hơn, do Bắc Kinh ngày càng tập trung vào vấn đề an ninh và khả năng tự lực, cùng với đó là mối quan hệ với phương Tây vẫn căng thẳng.
Tuy nhiên, việc đặt cược vào xu hướng tăng vọt của giá dầu được thúc đẩy bởi Trung Quốc vào cuối năm nay có thể sẽ là sai lầm.
Tham khảo WSJ