Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, 6 tháng đầu năm hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm 14,5%, quế chiếm 4,3% thị phần khu vực Trung Đông và chiếm lần lượt 5,9%, 3,6% thị phần tại Châu Phi.
Nhu cầu nhập khẩu gia vị lớn
Ông Trương Xuân Trung, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại UAE, cho biết UAE là thị trường nhỏ, dân số chỉ khoảng 10 triệu người nhưng đây được coi như một “hub” để hàng hoá đi các nước lục địa châu Âu, châu Á và châu Phi. Đây cũng là cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp nhập khẩu vào UAE và tái xuất đi các nước này.
Nông nghiệp ở UAE chỉ chiếm 1% GDP nước này, 80% thực phẩm và đồ uống được UAE nhập khẩu, nên đây là thị trường nhập khẩu tương đối tốt cho các sản phẩm của Việt Nam.
Đáng lưu ý, UAE có chợ gia vị lớn và nổi tiếng, được nhập khẩu phần lớn do nước này không sản xuất được các loại gia vị phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Với thị trường Ả rập Xê út, theo ông Trần Trọng Kim, Thương vụ Việt Nam tại Ả rập Xê út, nhu cầu tiêu dùng gia vị ở thị trường này khá lớn. 6 tháng năm 2022, xuất khẩu gia vị của Việt Nam sang thị trường này đạt 549 triệu USD. Gia vị hạt tiêu từ Việt Nam có kim ngạch trên 10 triệu mỗi năm, riêng 6 tháng năm 2022 đã đạt 5,8 triệu USD.
Bà Nguyễn Thị Hiền Giang, Giám đốc Công ty TNHH TM Lâm Thành Hưng, cũng thông tin, Iran nhập khẩu gia vị lớn nhất thế giới và cũng là nhà sản xuất, xuất khẩu gia vị lớn. Song đây lại là cơ hội hợp tác lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo bà Giang, ngoài việc xuất khẩu chúng ta cần nghĩ tới nhập khẩu, “hàng đổi hàng”. Vì các gia vị của Iran và Việt Nam có tính bổ sung cho nhau. Gia vị của Iran có tính dược liệu cao như nhuỵ hoa nghệ tây, bột rau mùi (kháng viên, ngừa tim mạch…), hạt thì là (tốt cho tiêu hoá, chống đột quỵ)…
Người Iran không chỉ quan tâm tới màu sắc, hương vị gia vị mà đặc biệt họ quan tâm đến lợi ích của gia vị mang lại cho sức khoẻ. Do đó, các sản phẩm gia vị nhập vào Iran phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc gia Iran, chứng chỉ ISO, chứng thư sức khoẻ, chứng chỉ kiểm dịch, chứng chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Cần đàm phán phương thức thanh toán để tránh rủi ro
Trung Đông, Châu Phi là những thị trường không quá khắt khe nhưng ông Trung lưu ý, vì là người Hồi giáo nên các loại thực phẩm ăn uống đều phải an toàn vệ sinh, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn Halal là rất quan trọng đối với người tiêu dùng. Chứng nhận Halal là giấy thông hành để các sản phẩm của Việt Nam được tiêu thụ tại các thị trường Hồi giáo.
Ngoài ra, khi xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần lưu ý các loại thuế quan. Tại UAE thuế quan được sửa đổi liên tục, vì vậy các doanh nghiệp nên kiểm tra lại những nội dung này trước khi xuất khẩu.
Thuế quan đối với mọi hàng hoá nhập khẩu là 5% (trừ một số hàng dược phẩm), tỷ lệ 50% đối với rượu và 100% đối với thuốc lá.
Đặc biệt, ông Trung lưu ý doanh nghiệp, trong các hợp đồng xuất khẩu, đối tác UAE bao giờ cũng yêu cầu thanh toán TT (chuyển tiền bằng điện) nên có rất nhiều rủi ro.
Từ đầu năm tới nay, Thương vụ Việt Nam tại UAE đã gặp hơn 30 vụ lừa đảo liên quan tới việc thanh TT. Vì vậy đại diện Thương vụ khuyến cáo doanh nghiệp khi xuất khẩu sang UAE, điều khoản thanh toán trong hợp đồng cần cố gắng yêu cầu đối tác thanh toán L/C. Và cần nhờ phía Thương vụ xác minh doanh nghiệp để tiến hành ký hợp đồng, bởi khi xảy ra rủi ro, việc đòi lại tiền rất khó khăn.
Ông Kim bổ sung, thanh toán cần theo hình thức L/C không huỷ ngang, có đặt cọc để đảm bảo. Do thời gian qua có một số vướng mắc do cước vận tải, công ty khó khăn, không giao hàng được nên vẫn còn tồn đọng một số hợp đồng… nhiều doanh nghiệp đang tiến hành khởi kiện.
Đặc biệt, doanh nghiệp không giao dịch với đối tác mà yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển trước phí môi giới, phí luật sư hay phí chấp thuận hợp đồng… Đây là những hành động lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp dù số tiền nhỏ, điều này hay xảy ra ở Ả rập Xê út.
Ngoài ra, để xuất khẩu gia vị bền vững sang những thị trường này, ông Kim cho rằng, việc xây dựng thương hiệu là rất quan trọng. Thực tế một số nhà nhập khẩu luôn đề nghị các nhà xuất khẩu Việt Nam đóng gói, dán nhãn mác theo thương hiệu riêng của họ và đưa vào thị trường. Cho nên việc khẳng định thương hiệu Việt Nam tại thị trường này rất mờ nhạt.
“Đề nghị các doanh nghiệp xây dựng một số thương hiệu riêng cho sản phẩm tiêu biểu của mình để thử nghiệm thị trường song song với việc sản xuất theo thương hiệu và đơn đặt hàng của khách”, ông Kim đề nghị.
Mặt khác, Ả rập Xê út đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững nên các sản phẩm organic, thân thiện với môi trường đang bắt đầu được đánh giá cao và có nhu cầu trong thời gian tới. Doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu sản xuất theo hướng này nhằm tăng giá trị xuất khẩu.
Bên cạnh đó, người Trung Đông có thói quen “mắt thấy tay sờ”, nhìn hàng tận mắt nên doanh nghiệp cần gửi mẫu cho khách trước. Doanh nghiệp có thể gửi cho Thương vụ để đặt tại phòng trưng bày các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
“Đây là thị trường không quá khắt khe, doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như hạn mức thuốc kháng sinh cho phép đối với các loại gia vị. Cần tìm hiểu thông tin cụ thể để đảm bảo các sản phẩm xuất sang Ả rập Xê út không bị vi phạm”, ông Kim nhấn mạnh.